Mì gói hai con tôm Miliket đạt hơn 622 tỷ doanh thu năm 2019

Lợi nhuận năm 2019 có giảm nhẹ 4% nhưng Công ty sở hữu thương hiệu mì gói hai con tôm – Miliket sẽ được hưởng lợi trong đại dịch Covid-19 do nhu cầu mua sắm và trữ đồ của người dân?
 

CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (UPCoM: CMN) – chủ của thương hiệu nổi tiếng mì gói bình dân hai con tôm, thương hiệu này nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhưng cũng từng có giai đoạn mì tôm Miliket trở thành món đồ ăn xa xỉ với nhiều người, khi chúng chỉ được bán tại các cửa hàng tạp hóa quốc doanh.

Miliket là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa (1972) và Lương thực thực phẩm Miliket (1995).

Hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào tháng 4/2004, với tên gọi Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket để thực hiện cổ phần hóa.

Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco Sài Gòn thực phẩm. Còn Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket thành lập năm 1995, sáp nhập từ 2 cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực quận 5.

Tháng 8/2006, Công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.

Tính đến 31/12/2018, Colusa - Miliket có 4 cổ đông lớn, trong đó Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 30,72% vốn; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba sở hữu 20,41% vốn; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mesa sở hữu 20,08% vốn; Ông Trịnh Đăng Khánh sở hữu 9,71% vốn.

Trong những năm gần đây, doanh thu của Công ty liên tục tăng thế nhưng lợi nhuận thu về có đôi lúc trồi sụt thất thường, nguyên nhân có lẽ là do chi phí, nguyên liệu luôn dao động không ngừng.

Mi goi hai con tom Miliket dat hon 622 ty doanh thu nam 2019
 Doanh thu và lợi nhuận của Miliket trong vài năm gần đây.

Trong năm 2019 vừa rồi, mặc cho doanh thu có tăng 4% nhưng lãi sau thuế mà Miliket thu về lại giảm 4%. Cụ thể, Công ty báo doanh thu thuần hơn 622 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó tăng 3%, thể hiện hơn 150 tỷ đồng. Ước tính thì mỗi ngày, Công ty có doanh thu 1,7 tỷ đồng.

So với lợi nhuận gộp, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể. Cụ thể, chi phí bán hàng năm 2019 ở mức hơn 94 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với năm trước; trong đó chi phí hỗ trợ bán hàng chiếm đến gần 46 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận hơn 32 tỷ đồng, gia tăng 28% so với con số năm 2018.

Sau cùng, Miliket báo lãi sau thuế năm 2019 gần 25 tỷ đồng, giảm 4%. Với kết quả này, Công ty mới chỉ thực hiện hơn 90% chỉ tiêu về doanh thu và 95% chỉ tiêu về lợi nhuận đề ra.

Tại ngày cuối năm 2019, Công ty đang ghi nhận khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 124 tỷ đồng, tăng 22% so với hồi đầu năm. Đây là các khoản tiền gửi ngắn hạn tại Vietcombank, Vietinbank và BIDV.

Khoản nợ phải trả ghi nhận gần 104 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Trong đó phải trả người bán ngắn hạn chiếm gần 47 tỷ đồng, phải trả người lao động chiếm gần 30 tỷ đồng, quỹ khen thưởng phúc lợi chiếm 10 tỷ đồng.

Tổng tài sản hơn 244 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Chênh lệch tăng chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn khi chỉ tiêu này chiếm hơn 224 tỷ đồng, tăng 11%.

Hiện tại, Công ty vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2020 nhưng với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra, việc người dân tích trữ nhiều đồ ăn chế biến sẵn như mì gói có thể giúp doanh số bán hàng của Công ty gia tăng và thu về kết quả ấn tượng trong tương lai.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN