Lợi nhuận ACV lên đỉnh, câu chuyện bán vốn Nhà nước lại được mong chờ

Lợi nhuận quý 3/2019 của ACV đạt được cao nhất từ trước tới nay với 2.203 tỷ đồng cho thấy doanh nghiệp này đang ngày càng làm ăn thuận lợi. Bởi thế câu chuyện bán vốn Nhà nước lại vẫn được nhiều nhà đầu tư mong chờ.

Trong quý 3/2019, doanh thu thuần của Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) tăng khá 15% khi đạt 4.591 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức cao nhất từ trước đến nay tính theo quý với 2.203 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của ACV đạt 13.500 tỷ đồng, cũng tăng 13% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 5.898 tỷ đồng, tăng tới 19%.

Năm 2019, ACV đặt kế hoạch doanh thu đạt 19.127 tỷ, lợi nhuận trước thuế 8.190 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 9% so với 2018. Như vậy, trong 9 tháng, ACV đã thực hiện được 70% kế hoạch về doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (7.297 tỷ đồng).

Loi nhuan ACV len dinh, cau chuyen ban von Nha nuoc lai duoc mong cho
 Kết quả kinh doanh quý 3/2019 của ACV (đvt: tỷ đồng)

Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng nguồn vốn của ACV tăng hơn 11%, lên mức 59.703 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 34.452 tỷ đồng, còn nợ phải trả cũng không kém cạnh với 25.251 tỷ đồng, tăng hơn 10%.

Tiền và các khoản tương đương chỉ 676 tỷ đồng, trong khi đầu tư tài chính ngắn hạn tới 31.382 tỷ đồng, tăng thêm hơn 7.652 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ vay tài chính dài hạn vẫn duy trì tới 15.117 tỷ đồng, chiếm 25% tổng nguồn vốn. Khoản vay này của ACV chủ yếu là từ vay vốn ODA của Nhật Bản. Do đó, chênh lệch tỷ giá cuối quý ngốn tới 325 tỷ đồng.

Loi nhuan ACV len dinh, cau chuyen ban von Nha nuoc lai duoc mong cho-Hinh-2
 

Ủy ban Quản lý vốn NN: Giảm sở hữu tại ACV là chưa phù hợp

ACV có vốn điều lệ 21.772 tỷ đồng, trong đó Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đang nắm giữ 95,39% vốn.

Trước đó, hồi tháng 5, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 638 thông báo ý kiến Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước cụ thể tại ACV theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình hoạt động sau khi cổ phần hóa, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nhận thấy ACV hiện đang quản lý các cảng hàng không, sân bay có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng trong cả nước.

Trong khi đó, sau khi cổ phần hóa đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc, như cơ chế quản lý, khai thác, vận hành khu bay hiện vẫn lúng túng khi giải quyết. Do đó, Ủy ban cho rằng việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV là chưa phù hợp.

Từ khi lên sàn chứng khoán UPCoM đến nay, cổ phiếu ACV đã tăng vọt 239% để lên mức 78.800 đồng/cổ phiếu kết phiên 30/10. Tuy nhiên do lượng lớn cổ phiếu là Nhà nước nắm giữ nên thanh khoản của ACV không cao, bình quân chỉ 91.538 đơn vị/phiên.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN