Lịch sử thị trường chứng khoán diễn biến thế nào sát Tết?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 24 năm hoạt động và trải qua 23 kỳ Tết Nguyên đán, trong đó có 17 lần VN-Index tăng trong 5 ngày trước Tết và 13 lần chỉ số tăng trong 5 ngày đầu Xuân.
Trong 23 mùa Tết Nguyên đán, có 6 lần VN-Index ghi nhận mức giảm trong 5 phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết, 17 lần chỉ số có mức tăng tốt trong 5 phiên trước Tết, thậm chí năm 2008 đạt mức tăng 10,8%. Năm 2023 vừa qua, VN-Index tăng 4,5% trong 5 phiên trước Tết.
Xét tuần đầu Xuân, VN-Index có chuỗi 5 năm liên tiếp (2015 - 2019) tăng điểm. Chuỗi tăng ấn tượng này gián đoạn vào năm 2020 với thông tin về dịch Covid-19.
Sang năm 2021, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với đó là sự bùng nổ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh. Riêng 5 phiên đầu Xuân 2021, VN-Index tăng 5,6%. Năm 2023, trước một số thông tin “bắt bớ” và tình hình kinh tế khó khăn, thị trường có tuần giao dịch đầu tiên sau Tết sụt giảm.
Nếu chỉ tính riêng phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Âm lịch, VN-Index có 15 phiên tăng và 8 phiên giảm. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi thông tin dịch Covid-19 nên VN-Index có mức giảm mạnh nhất là 3,2% ngay ở phiên giao dịch đầu Xuân. Giai đoạn 2021 - 2023, chỉ số có sự khởi sắc trong phiên đầu tiên.
Lich su thi truong chung khoan dien bien the nao sat Tet?
 Diễn biến thị trường trước và sau Tết Nguyên đán.
Dòng tiền có dấu hiệu khả quan
Dòng tiền vẫn tích cực, dần lan tỏa sang nhiều nhóm mới, tạo động lực kéo thị trường tiến xa hơn.
Về triển vọng thị trường, VN-Index đang có những tính chất giống với giai đoạn tháng 5 - 6/2023, khi vượt qua được vùng đi ngang tích lũy thì chỉ số bắt đầu bứt phá. Đáng chú ý, dòng tiền kéo nhóm ngân hàng, đồng thuận mở “sóng” trong thị trường.
Nhìn lại con “sóng” chứng khoán thời kỳ tiền rẻ giai đoạn dịch Covid-19, vào tháng 9/2020, khi nhóm ngân hàng bắt đầu thu hút dòng tiền và dẫn dắt thị trường, thì VN-Index vượt qua ngưỡng 900 điểm và bắt đầu sóng tăng kéo dài, đạt trên 1.500 điểm vào quý 1/2022.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý sự tương quan của thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô. Một là, chỉ số chứng khoán chạm đáy trước khi kinh tế chạm đáy suy thoái. Hai là, khi kinh tế bắt đầu hồi phục thì thị trường chứng khoán bước vào xu hướng tăng.
Mới đây, trong Báo cáo chiến lược năm 2024 của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 của ngành ngân hàng đạt 14%, thấp hơn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do nền kinh tế và thị trường bất động sản có thể sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi.
Tuy vậy, ngành ngân hàng trong năm 2024 vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ Chính phủ và NHNN tiếp tục chủ trương hỗ trợ hoạt động thông qua ban hành các luật, chính sách, đặc biệt liên quan đến vấn đề cơ cấu nợ xấu.
Theo chuyên gia, nhóm ngành ngân hàng đang được định giá ở mức hấp dẫn với P/E 9,0 lần, thấp hơn 18,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2009-2023 và P/B 1,5 lần. Với mức định giá đang ở mức thấp, chuyên gia nhận định rủi ro nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá sâu được hạn chế và có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Do đó, với mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư Mua đối với 4 mã cổ phiếu TCB, MBB, STB và VIB, kỳ vọng tăng lên đến 53%.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN