Làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ thị trường chứng khoán

Tháng 3 chứng kiến sự bùng nổ số lượng tài khoản chứng khoán mới được mở, với hơn 163.500 tài khoản cá nhân, tăng 44,5% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023.
Khác với số lượng người dùng cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 97 tài khoản. Tính đến cuối tháng 3/2024, Việt Nam có hơn 7,6 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,6% dân số. Điều này góp phần thúc đẩy giá trị giao dịch trung bình hàng ngày lên mức cao kỷ lục 26,7 nghìn tỷ đồng, đạt đỉnh kể từ tháng 1/2022.
Lan song nha dau tu moi do bo thi truong chung khoan
 Nguồn: VnEconomy
Sự bùng nổ số lượng tài khoản chứng khoán mới được mở trong thời gian gần đây có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng điểm. VN-Index đạt mốc 1.284,09 điểm vào cuối tháng 3, tăng 2,5% so với tháng trước và là tháng thứ 5 liên tiếp tăng điểm. Mức tăng trưởng ấn tượng này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, khiến họ muốn tham gia vào thị trường để kiếm lợi nhuận.
Thứ hai, lãi suất ngân hàng ở mức thấp. Lãi suất tiết kiệm hiện nay chỉ dao động quanh mức 4-5%/năm. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh đầu tư mới tiềm năng hơn, và thị trường chứng khoán là một lựa chọn hấp dẫn.
Thứ ba, sự phát triển của các công nghệ giao dịch trực tuyến. Việc mở tài khoản và giao dịch chứng khoán giờ đây trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, nhà đầu tư có thể mở tài khoản và bắt đầu giao dịch ngay lập tức.
Một yếu tố quan trọng khác là Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt. Chiến lược này đặt ra mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường, mở rộng dư nợ thị trường trái phiếu, tăng trưởng thị trường chứng khoán phái sinh trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm.
Thu hút nhà đầu tư, phấn đấu đạt 9 triệu tài khoản giao dịch vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó chú trọng vào nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025 phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi, đồng thời tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới. Đảm bảo an ninh tài chính, tăng cường khả năng cạnh tranh và quản trị rủi ro, áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Thảo Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN