Lãi suất ngân hàng biến động ra sao trong 3 tháng qua?

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô CIEM chỉ ra 3 yếu tố tác động đến lãi suất ngân hàng trong Quý I/2019. Theo chuyên gia của CIEM, việc không ít ngân hàng lớn đặt mục tiêu lợi nhuận cao gây ra quan ngại về khả năng giảm lãi suất trong năm 2019.
Thanh khoản dồi dào, lãi suất huy động ổn định
Ông Nguyễn Anh Dương đánh giá mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định trong Quý I/2019. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn, 4,5-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-6,5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và 6,6-7,3%/năm đối với kì hạn trên 12 tháng.
Diễn biến tích cực của lãi suất huy động trong Quý I là do: Một số ngân hàng thương mại lớn, chiếm thị phần huy động lớn có xu hướng giảm lãi suất huy động hoặc duy trì lãi suất huy động thấp. Tiếp đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào trong khi giải ngân tín dụng chưa tăng mạnh. Thứ nữa, FED công bố không tăng lãi suất trong năm 2019 nên không tạo ra áp lực tăng lãi suất huy động VNĐ để giữ chân tiền đồng.
Lai suat ngan hang bien dong ra sao trong 3 thang qua?
 
Lãi suất cho vay giao động từ 9-11%/năm
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2019, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm và 9-11%/năm đối với lãi suất cho vay trung và dài hạn. Các ngân hàng TMNN đã chủ động giảm 0,5 %/năm đối với lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo và hỗ trợ các hộ chăn nuôi chịu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.
Dù vậy, việc không ít ngân hàng lớn đặt mục tiêu lợi nhuận cao gây ra quan ngại về khả năng giảm lãi suất ngân hàng trong năm 2019.
Lãi suất huy động USD tiếp tục giữ ở mức 0%/năm. Lãi suất cho vay USD tại thời điểm cuối Quý I phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.
Nguyên nhân nào ảnh hưởng tới tín dụng?
“Diễn biến tín dụng trong Quý I/2019 chịu ảnh hưởng của một số nguyên nhân như NHNN kiểm soát tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung tín dụng cho sản xuất; chủ trương đẩy lùi tín dụng đen và lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để chống đô la hóa trong năm 2019”, chuyên gia CIEM nhận định.
Ông Nguyễn Anh Dương kiến nghị cần nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên. Thêm vào đó, nên điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán...).
NHNN cần điều hành linh hoạt thanh khoản của hệ thống NHTM để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, phát hành trái phiếu chính phủ, phòng ngừa và ứng phó với biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Theo khảo sát của PV báo Lao Động tại 30 ngân hàng thương mại (NHTM), trong tháng 4.2019, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên trên 8%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay là 8,6% ở kì hạn 24 tháng.
Các NHTM nhà nước như Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank vẫn duy có mức lãi suất thấp nhất trên thị trường, thường kém hơn từ 1-1,5%/năm so với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Chênh lệch lãi suất huy động rõ rệt tại kì hạn 12 tháng trở lên, mức chênh lệch lãi suất lên tới 2%.
Theo Lan Hương/Lao động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN