Do thiếu tiền hay vì lý do gì FLC Faros bán vườn thú tại Quy Nhơn?

Ông Trịnh Văn Quyết muốn bán công ty đầu tư công viên, động vật hoang dã tại Quy Nhơn với giá không thấp hơn 225 tỷ đồng.      
 

Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) của ông Trịnh Văn Quyết vừa ký nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Vườn thú Faros. 

Lượng chuyển nhượng là toàn bộ 22,5 triệu cổ phần mà đơn vị này đang nắm giữ, tương ứng 90% vốn góp, tương đương mệnh giá 225 tỷ đồng. Nghị quyết cũng nêu, giá chuyển nhượng theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mệnh giá. 

Nếu chuyển nhượng thành công toàn bộ 90% cổ phần, FLC Faros sẽ không còn là công ty mẹ và ngừng hợp nhất kết quả kinh doanh với Vườn thú Faros. 

Trước đó diễn ra động thái thoái vốn tại Vườn thú Faros của FLC. Vào đầu tháng 9, FLC Faros đã quyết định mua thêm 9 triệu cổ phần trong đợt Vườn thú Faros phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng.
Lúc đó FLC Faros đang sở hữu 13,5 triệu cổ phần Vườn Thú Faros và nâng lượng sở hữu lên 22,5 triệu cổ phiếu như hiện nay, duy trì tỷ lệ sở hữu 90%.
Do thieu tien hay vi ly do gi FLC Faros ban vuon thu tai Quy Nhon?
FLC Faros sẽ bán Vườn thú Faros với giá không thấp hơn 225 tỷ đồng. 

Vườn thú Faros tiền thân là CTCP Khoáng sản Faros Bình Định, thành viên của FLC Faros. Đây là doanh nghiệp đang đầu tư, phát triển công viên hoang dã cho FLC tại khu nghỉ dưỡng Quy Nhơn (Bình Định).

Từ vốn điều lệ 50 tỷ đồng, sau 4 năm thành lập, hiện số vốn của doanh nghiệp tăng lên 250 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của công ty Vườn thú Faros hiện tại là ông Mai Xuân Tình. 

Trong cơ cấu vốn của Vườn thú Faros, FLC Faros chiếm 90% cổ phần, ông Lê Văn Sắc nắm 9% và bà Nguyễn Bình Phương giữ 1%. Ông Sắc là người đại diện pháp luật và Chủ tịch Vườn thú Faros tại thời điểm thành lập còn bà Phương là Phó tổng giám đốc FLC Faros.

Theo báo cáo thường niên 2018 của FLC Faros, Vườn thú Faros có kết quả đáng buồn trong năm 2018 với khoản lỗ ròng gần 14 tỷ đồng trong khi năm 2017 báo lãi hơn 3,6 tỷ đồng. Hiện, Công ty này là chủ đầu tư của dự án Công viên động vật hoang dã.

Bán Vườn thú để đầu tư cho Eden Garden?

Theo diễn biến gần đây, FLC Faros có quyết định tăng vốn điều lệ cho từ 290 tỷ đồng hiện nay lên 978 tỷ đồng, tương ứng mức tăng hơn 3,37 lần với hình thức là FLC Faros góp thêm vốn vào Công ty Eden Garden. Hiện FLC Faros đang nắm 100% vốn tại Eden Garden.

Tại ngày 30/9, lượng tiền và tương đương tiền theo trên báo cáo tài chính được công bố, FLC Faros chỉ nắm giữ hơn 383 tỷ đồng. Số tiền này dường như khá khiêm tốn so với con số dự kiến góp vào Eden Garden (khoảng 688 tỷ đồng). 

Song song với quyết định thoái vốn tại Vườn thú Faros, FLC Faros cũng quyết định chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại CTCP Đầu tư kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes (tên cũ là CTCP Đầu tư Du thuyền và sân Golf FLC Biscom).

Trong đó, FLC Faros chuyển nhượng tổng cộng hơn 57 triệu cổ phần tại FLCHomes. Tổng giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá gần 578 tỷ đồng.

Với những diễn biến đó, có thể nghi vấn việc thoái vốn tại Vườn thú Faros và thoái vốn luôn tại FLCHomes để Công ty của ông Trịnh Văn Quyết gom tiền đầu tư cho Eden Garden nâng vốn lên hàng ngàn tỷ đồng?

Về kết quả kinh doanh trong quý 3 vừa qua, FLC Faros đạt doanh thu thuần 1.179 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế trong kỳ giảm 46% xuống còn 8 tỷ đồng

Theo lý giải của Công ty, lãi ròng sụt giảm vì công ty mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhưng chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu theo quy định. Trong khi đó, một số chi phí phải ghi nhận theo chuẩn mực và luật kế toán. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, FLC Faros đạt doanh thu thuần 3.514 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 76 tỷ đồng, dù doanh thu có tăng đến 73% nhưng lợi nhuận giảm đến 18% so với cùng kỳ.

So với kế hoạch cả năm, FLC Faros đã hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu nhưng mới chỉ đạt 24% mục tiêu lợi nhuận.

Ở một diễn biến khác liên quan đến FLC Faros, ông Trịnh Văn Quyết đã bán thành công 70 triệu cổ phiếu ROS, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ hơn 382 triệu cổ phiếu, tương ứng 67,34% vốn xuống còn 312 triệu cổ phiếu, tương ứng 55,01%.

Nếu tính theo mức giá thị trường khi giao dịch là 26.000 đồng/cổ phiếu, việc bán cổ phiếu ROS lần này đã mang về cho tỷ phú Trịnh Văn Quyết khoảng 1.800 tỷ đồng.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN