Điểm sáng chính sách tiền tệ và kỳ vọng cho năm mới

Với sự quyết tâm của NHNN chắc chắn lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
NHNN đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các TCTD từ đầu năm. Đây là một điểm mới thể hiện sự chủ động và quyết tâm của NHNN trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tính chủ động, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp. Với sự quyết tâm đó chắc chắn lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Điểm sáng trong chính sách tiền tệ 2023
Lãi suất bắt đầu tăng nóng vào những tháng cuối năm 2022, sang năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất liên tục 4 lần, từ 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Theo đó, lần đầu trong năm 2023, vào ngày 15/3, NHNN đã giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế; lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng giảm 1%. Tiếp đó, nhằm tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 3 lần nữa vào các ngày 3/4, 25/5 và lần cuối vào ngày 19/6/2023.
Như vậy, sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành với tổng mức cắt giảm 150 điểm cơ bản, đưa lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn xuống lần lượt là 3% và 4,5%; trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4,75%. Theo đó, lãi suất huy động của các NHTM giảm mạnh từ 200 - 300 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. Tính đến cuối năm 2023, hầu hết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM đều ở dưới mức 6%; các NHTM lớn đều đưa lãi suất này về mức xấp xỉ 5% - 5,25%, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 (2020 - 2021).
Diem sang chinh sach tien te va ky vong cho nam moi
 
Đánh giá về động thái của NHNN, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Quý Thạnh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng, năm 2023 vừa qua NHNN Việt Nam đã phải đảm nhận nhiều mục tiêu từ kiểm soát lạm phát đến tỷ giá, tín dụng. Trong khi các nước trên thế giới và khu vực phải liên tục tăng lãi suất điều hành thì Việt Nam lại là nước tiên phong trong việc giảm lãi suất điều hành mà vẫn có thể duy trì lạm phát năm 2023 ở mức 3,25% là một “điểm sáng” trong chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam.
Việc kiểm soát lạm phát thành công là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ qua đó hạn chế được những cú sốc về tỷ giá khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất lên mức kỷ lục 5,25%- 5,5% hiện nay.
Chính nhờ niềm tin đó cùng với việc NHNN chủ động điều hành tỷ giá thông qua dự trữ ngoại hối và giá bán USD đã giúp tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới và khu vực đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Ông cho rằng, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 11 năm 2023 mặc dù chỉ đạt 9,15% không đạt mục tiêu đề ra nhưng là phù hợp với bối cảnh tăng trưởng kinh tế 5,05% của năm nay. Tuy nhiên việc tăng mạnh tăng trưởng tín dụng vào tháng 12/2023 đến 4,35% kéo theo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 lên 13,5% sẽ là yếu tố cần lưu ý trong việc kiểm soát lạm phát năm tới.
Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay?
Với chính sách tiền tệ chuyển dịch từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" của NHNN nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Song thực tế các món giải ngân vẫn được ghi nhận ở mức thấp và lãi suất cho vay còn neo ở mức cao.
Theo đại diện của Ngân hàng Shinhan Việt Nam, để ứng phó với sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống, các ngân hàng đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng cách tích cực hạ lãi suất và ra mắt những gói sản phẩm tái tài trợ. Đồng thời, do thị trường bất động sản đang suy thoái và gặp nhiều thách thức về thanh khoản, NHNN và Chính phủ đã hạ lãi suất và nới lỏng một số quy định về cho vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, kèm theo nhu cầu trên thị trường bất động sản giảm, khiến việc giải quyết vấn đề về dòng tiền và thanh khoản của các công ty bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Diem sang chinh sach tien te va ky vong cho nam moi-Hinh-2
 
Còn Tiến sĩ Quý Thạnh phân tích, mục tiêu của NHNN trong năm 2023 là tăng trưởng tín dụng 15%, nhưng đến cuối năm 2023 lại “thừa tiền” khi chỉ ở mức 13,5%. Thứ nhất, bản chất nguyên nhân thật sự là do cầu của nền kinh tế quá yếu, thực trạng đa phần các doanh nghiệp thiếu đơn hàng dẫn đến buộc doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp hoạt động sản xuất và tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Thứ hai, các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn vay đa phần lại không phục vụ cho mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi đó tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đã vượt mức 3% từ giữa năm và đang duy trì xu hướng tăng mặc dù đã áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo thông tư 02/2023/TT-NHNN. Do đó, các ngân hàng đang có động thái cẩn trọng hơn trong việc giải ngân.
Thứ ba, lãi suất huy động giảm mạnh từ 3-4% trong năm 2023 nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm 1-2%/năm không đạt như kỳ vọng cũng là một phần nguyên nhân của vấn đề này.
Lãi suất cho vay năm 2024 có về mức kỳ vọng của doanh nghiệp?
Nhận định về năm 2024, Chứng khoán MBS cho rằng chính sách tiền tệ sẽ ở trạng thái cân bằng hơn, tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng.
MBS phân tích, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc như tăng trưởng GDP đang thể hiện xu hướng tích cực. Đồng thời, Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ như tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản và phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy tín dụng cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, lãi suất cho vay giảm mạnh kích thích nhu cầu tín dụng. Do đó, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 13-14% với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,9%.
Còn lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý 1/2024 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6 - 7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, MBS cho rằng nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, áp lực tăng lên lãi suất không lớn do chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ hầu như đã chấm dứt. Với dự báo lãi suất điều hành của Fed sẽ hạ xuống mức xấp xỉ 4% cuối năm 2024, áp lực lên tỷ giá không lớn, NHNN sẽ có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 25 - 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024.
Diem sang chinh sach tien te va ky vong cho nam moi-Hinh-3
 
Trong khi đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục được duy trì như mặt bằng hiện tại, còn lãi suất vay vốn được dự phóng sẽ tiếp tục đà giảm thêm từ 0,5-1,5% tuỳ lĩnh vực cho vay. Từ đó kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ vẫn quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh.
KBSV cho rằng, động lực tăng trưởng tín dụng chủ yếu sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Đồng thời kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hay những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được tháo gỡ, giúp thị trường này sớm đi qua giai đoạn suy thoái. Ngoài ra, thị trường TPDN cần thêm thời gian từ 2-3 năm nữa để quay trở lại tăng trưởng mạnh như trước đây, trong khi đó kênh huy động vốn qua ngân hàng sẽ vẫn được ưu tiên.
Theo Tiến sĩ Quý Thạnh, kinh tế toàn cầu sẽ còn nhiều biến động phức tạp. Nhưng với sự am hiểu về thực trạng thị trường và sự linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
NHNN đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các TCTD từ đầu năm. Đây là một điểm mới thể hiện sự chủ động và quyết tâm của NHNN trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tính chủ động cho các TCTD tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp. Với sự quyết tâm đó chắc chắn lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong bối cảnh cầu tiêu dùng vẫn còn ở mức thấp trên toàn cầu và trong nước, để đạt được mức tăng trưởng trên cần sự nỗ lực rất lớn từ phía NHNN, sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác đồng thời rất cần việc nâng cao sức khỏe và năng lực cạnh canh từ phía doanh nghiệp.
Minh An
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN