ĐHĐCĐ CII: Muốn huy động vốn thêm 4.000 tỷ, lo lắng kế hoạch năm 2020

Sáng 2/6, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE: CII) đã được tổ chức.
 

Phát hành trái phiếu huy động vốn, mua lại 53 triệu cổ phiếu quỹ

Theo ban lãnh đạo Công ty, dịch COVID-19 ảnh hưởng không đáng kế đến các hoạt động kinh doanh cốt lõi của CII nhưng trực tiếp tác động tiêu cực đến khả năng huy động vốn của tất cả các doanh nghiệp.

Một phương án tài chính đã được đưa ra để giải quyết cái khó trước mắt về vốn, đồng thời, bảo vệ cho các cổ đông nhỏ lẻ cũng như các quỹ đầu tư không bị mất tài sản do giá trị thị trường của CII bị giảm sút.

CII triển khai nhiều hoạt động như phát hành trái phiếu trong năm 2019. Điều này đảm bảo an toàn tài chính cho Công ty. Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình cho biết CII sẽ phát hành các thương vụ lớn, ví dụ đợt 1 và 2 đã phát hành 4.500 tỷ đồng. Sắp tới, Công ty còn 3 đợt phát hành khối lượng lớn khác với tổng giá trị khoảng 4.000 tỷ đồng.

Theo tờ trình mới gửi cổ đông, CII dự kiến phát hành trái phiếu kèm chứng quyền có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 11%/năm. Đợt phát hành có thể gồm 2 đợt, ưu tiên trước đợt 1 cho cổ đông hiện hữu với số trái phiếu phát hành trị giá 1.239 tỷ đồng, tương ứng cổ đông sở hữu 200 cổ phiếu sẽ được mua 1 trái phiếu.

Nếu tổng giá trị chào bán đợt 1 không đạt 800 tỷ đồng, CII sẽ phát hành cho các nhà đầu tư bên ngoài có thể là quỹ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư chiến lược với tổng giá trị phát hành là 1.600 tỷ đồng.

Giá phát hành cho đợt này bằng bình quân 10 phiên trước khi nộp hồ sơ nhưng không thấp hơn giá phát hành cho cổ đông hiện hữu và không cao hơn 26.000 đồng/cp.

Cổ đông tại Đại hội cho rằng phát hành trái phiếu kèm chứng quyền là phương án lạ, CII nên cân nhắc chọn phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Ông Lê Quốc Bình cho biết theo quan điểm cá nhân, ông không ủng hộ phát hành trái phiếu chuyển đổi kèm chứng quyền vì phương án này gây thiệt hại cổ đông do Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và Sở Giao dịch chứng khoán không giao dịch được trái phiếu kèm chứng quyền. Ông kiến nghị Công ty nên phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Đại hội đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi cho đợt 1 và giữ nguyên phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền cho đợt 2. 

Song song đó, CII hiện đã nắm giữ 9 triệu cổ phiếu quỹ và dự kiến tổng số cổ phần cần chuẩn bị ít nhất trong trường hợp trái chủ lựa chọn thực hiện quyền mua cổ phiếu là 62 triệu cổ phiếu.

Do vậy, Công ty cần bổ sung thêm 53 triệu cổ phiếu trong 5 năm tới, Tổng giám đốc Lê Quốc Bình cho hay. Ước tính với mức giá hiện tại hơn 20.000 đồng/cp, số tiền cần chi ra lên tới 1.100 tỷ đồng.

DHDCD CII: Muon huy dong von them 4.000 ty, lo lang ke hoach nam 2020
 Đại hội đồng cổ đông thường niên CII sáng 2/6. 

Lo lắng cho kế hoạch 2020 do hồ sơ pháp lý chậm tiến độ

Tại Đại hội, Hội đồng quản trị CII đưa ra 2 phương án cho năm 2020 là thận trọng và khả quan. Với phương án thận trọng, doanh thu mục tiêu đạt 5.800 tỷ đồng còn lãi ròng là 808 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện được trong năm 2019, kế hoạch doanh thu tăng 42% còn lợi nhuận giảm 16%.

Với phương án khả quan (trường hợp những vướng mắc về pháp lý đối với dự án BOT, BT và bất động sản được khơi thông), CII đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng lần lượt 61% và 68%, đạt 6.600 tỷ đồng và 1.608 tỷ đồng.

Ông Lê Quốc Bình cho biết kế hoạch trên được đưa ra từ cuối năm 2019, tuy nhiên đến giờ này Công ty bắt đầu lo lắng về kế hoạch kinh doanh 2020. Nếu hồ sơ pháp lý vẫn chậm như hiện nay thì đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Những hồ sơ pháp lý hứa từ Đại hội năm trước đến hiện nay đều chưa hoàn thành được.

Lãnh đạo CII cho biết khác với hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh thu các mảng kinh doanh cốt lõi của CII chưa bị ảnh hưởng đáng kể ở cả 3 mảng cầu đường, hạ tầng nước và bất động sản.

Ngoài việc nước là sản phẩm không thể thay thế trong tiêu dùng hàng ngày, các dự án bất động sản hiện nay của CII đã hoàn tất công tác bán hàng; và đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý và/hoặc thi công xây dựng. Mảng cầu đường từ đầu năm đến giữa tháng 5 ghi nhận sụt giảm không đáng kể đối với doanh thu thu phí lũy kế.

Việc tiến độ xử lý các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đang đầu tư bị ảnh hưởng và chậm hơn so với CII dự kiến. Cùng đó, tiến độ triển khai xây dựng cũng bị ảnh hưởng do thiếu lực lượng lao động tại công trường, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ đưa dự án Mở Rộng Xa Lộ Hà Nội vào thu phí và thu tiền từ khách hàng của các dự án bất động sản.

Lãnh đạo Công ty cho rằng những ảnh hưởng này là không đáng kể đến hiệu quả hoạt động của CII. Trong khi đó, giá trị cố phiếu CII hiện tại đang bị định giá thấp mà không dựa trên hoạt động kinh doanh của Công ty.

DHDCD CII: Muon huy dong von them 4.000 ty, lo lang ke hoach nam 2020-Hinh-2
Dự án BT Thủ Thiêm của CII.

Nói về câu chuyện BT Thủ Thiêm, ông Lê Quốc Bình thông tin Thủ tướng Chính phủ bắt đầu phê duyệt dự án Khu dân cư phía Bắc cho CII từ năm 2017.

Sau đó xảy ra thanh tra, kiểm tra khiến mọi việc đứng lại. Đến khi được triển khai trở lại, dự án vẫn vướng pháp lý rất nhiều, các cơ quan Nhà nước khá lúng túng.

Về hoạt động đầu tư mảng cầu đường và thu phí giao thông, trong năm 2020, CII dự kiến tập trung vào 7 dự án gồm BT Thủ Thiêm, Mở rộng Xa lộ Hà Nội, Trung Lương - Mỹ Thuận, BOT Cầu Rạch Miễu, DT 741, dự án Ninh Thuận 1 & 2, dự án cầu Cổ Chiên.

Với mảng hạ tầng nước, CII tập trung thực hiện hoạt động kinh doanh 4 dự án trọng điểm gồm Tân Hiệp 2, Củ Chi, Gia Lai và Saigon - Dankia. Trong đó, dự án Tân Hiệp 2 tăng sản lượng bán nước lên 300.000 m3/ngày, Saigon - Dankia tăng lên 27.000 m3/ngày đêm.

Ở mảng bất động sản được CII triển khai 5 dự án gồm Khu căn hộ Thủ Thiêm, 152 Điện Biên Phủ, Diamond Riverside, Sơn Tịnh và De Lagi. Đáng chú ý, Công ty bảo đảm hoàn thành và bàn giao ngay trong năm 2020 ở 2 dự án 152 Điện Biên Phủ và Diamond Riverside.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm trước, cổ đông đã thông qua việc chia cổ cho năm 2019 với tỷ lệ 32% (trong đó có 16% bằng tiền mặt và 16% bằng cổ phiếu), tuy vậy CII cho biết sẽ giảm tỷ lệ cổ tức này còn 12%.

Lý giải về vấn đề này, Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình cho biết do có sự chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán nên Công ty chỉ có thể chi trả trong tỷ lệ này, phấn đấu trong quý 3 năm nay sẽ chi trả.

Được biết, sau kiểm toán, doanh thu năm 2019 của CII đạt 1.813 tỷ đồng, lãi ròng ở mức 326 tỷ đồng. So với báo cáo tự lập, doanh thu giảm không đáng kể nhưng chỉ tiêu lãi ròng giảm sâu đến 55%.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN