Chứng khoán thực chiến: Khu công nghiệp VSIP III sẽ dẫn dắt lợi nhuận PHR

Mức thị giá hiện tại của PHR là 70.000 đồng đã vượt mọi kỳ vọng khuyến nghị của các công ty chứng khoán. 
Theo dõi diễn biến giá cổ phiếu nhóm cao su, có thể nhận thấy cổ phiếu nhóm này bật đà tăng mạnh từ đầu tháng 10. Cùng thời gian này, thị giá PHR của Cao su Phước Hoà tăng 18.000 đồng/cp, từ 52.700 đồng/cp lên 70.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, PHR từ đầu tháng 11 đến nay liên tục tăng mạnh, thị giá ngày 16/11 tăng hơn 17% so với ngày 1/11.
Theo số liệu thống kê trong 4 năm gần nhất, bình quân trong giai đoạn 2016-2020, cổ phiếu PHR tăng giá 51%. Trong đó, năm 2017, nhờ sự ủng hộ của thị trường chung, giá cổ phiếu PHR tăng hơn 79,5%.
Mức thị giá hiện tại của PHR là 70.000 đồng đã vượt mọi kỳ vọng khuyến nghị của các công ty chứng khoán. Trong tháng 7, Chứng khoán KBSV kỳ vọng giá mục tiêu đối với PHR ở mức 65.700 đồng/cp, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra kỳ vọng ở mức 67.700 đồng/cp.
Vậy PHR có gì để thị giá tăng mạnh như hiện nay?
Chung khoan thuc chien: Khu cong nghiep VSIP III se dan dat loi nhuan PHR
 Đà tăng dựng đứng của PHR trong tháng 11.
Quỹ đất rộng lớn và nguồn gỗ cao su
Bình Dương đang là địa phương dẫn đầu cả nước về nhu cầu thuê đất công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy lên đến 99%. Vì vậy, các doanh nghiệp ở địa phương có quỹ đất dồi dào sẽ có cơ hội lớn để mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực này.
Theo thống kê, Cao su Phước Hòa có quỹ đất cao su sẵn sàng chuyển đổi thành đất KCN lên đến 5.485 ha, chiếm 37% tổng diện tích đất KCN của tỉnh Bình Dương.
Ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết, định hướng phát triển trong năm nay là nắm bắt thời cơ và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công năng sử dụng đất để phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đặc biệt là tận dụng nguồn lực sẵn có về đất đai để phát triển nhanh.
Về trung và dài hạn, Cao su Phước Hòa đang nuôi tham vọng từng bước tái cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh, đầu tư theo hướng tăng dần tỷ trọng hạ tầng KCN - Đô thị - Dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh doanh cao su và giảm dần sự phụ thuộc vào lĩnh vực thanh lý cao su, bồi thường do giao đất.
Đặc biệt trong giai đoạn đến năm 2025, Cao su Phước Hòa sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai mở rộng KCN Tân Bình 1.055 ha (giai đoạn 2), làm chủ đầu tư hai KCN - đô thị - dịch vụ (Hội Nghĩa 715 ha và Bình Mỹ 1.002 ha); KCN Tân Lập I 201 ha.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết các dự án KCN tự phát triển khác của Cao su Phước Hòa, bao gồm KCN Tân Bình và KCN Hội Nghĩa dự kiến sẽ được đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 và có thể được phê duyệt vào ngay năm 2021.
VCSC cũng đưa ra giả định các KCN Tân Lập I, Tân Bình Mở rộng và Hội Nghĩa sẽ mở bán đất lần lượt vào năm 2021, 2023 và 2024.
Thực tế trong khoảng ba năm trở lại đây, Cao su Phước Hòa có động thái đã chuyển dần vườn cây cao su tại Việt Nam sang Campuchia, đồng thời chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây cao su sang đất công nghiệp để cho thuê.
Chung khoan thuc chien: Khu cong nghiep VSIP III se dan dat loi nhuan PHR-Hinh-2
 
KCN VSIP III sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận
Những yếu tố này phản ánh vào tình hình kinh doanh của Công ty, theo đó, doanh thu thuần quý 3 đạt 522 tỷ đồng, tăng 33,5% và lãi ròng đạt 171 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu thuần 1.279 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi ròng đạt 340 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 23% lên 25,7% nhờ giá bán cao su tăng.
PHR đang triển khai nhiều dự án như dự án liên kết đầu tư với VSIP III. PHR góp vốn 20% vào dự án và sẽ bàn giao 691 ha với giá trị thấp nhất 2,5 tỷ đồng/ha.
Trong đó, bồi thường hỗ trợ thiệt hại đưa trước 1,3 tỷ đồng/ha, tương ứng 898 tỷ đồng chưa được chi trả trong năm 2020 và 2021. PHR cũng được hưởng 20% lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đất và mức tổng lợi nhuận này không được thấp hơn 829 tỷ đồng.
PHR đang triển khai dự án Khu công nghiệp Tân Lập (đang trong quá trình phê duyệt với quy mô bàn giao khoảng 400 ha), Khu công nghiệp Bình Mỹ và Hội Nghĩa đang xin phê duyệt và cấp phép.
Năm 2022, giá cao su tiếp tục duy trì ở mức cao và kỳ vọng doanh thu mảng bất động sản công nghiệp trong tương lai sẽ giúp PHR có nhiều lợi thế tăng trưởng.
VCSC kỳ vọng KCN VSIP III sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận trong ngắn hạn cũng như đóng góp lợi nhuận trong trung và dài hạn của Cao su Phước Hòa.
Năm 2021, VCSC dự báo doanh thu 2021 có thể đạt 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ dự kiến 1.100 tỷ đồng; tăng 1,3% và 1,5% so với năm 2020. Lợi nhuận dự kiến chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập từ đền bù 898 tỷ đồng cho chuyển đổi đất cao su tự nhiên của PHR sang KCN VSIP III.
Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá PHR sẽ được hưởng lợi từ mảng bất động sản công nghiệp trong dài hạn, nhờ lượng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Triển vọng tích cực chung của ngành bất động sản công nghiệp và diễn biến tích cực của mảng cao su sẽ tạo động lực phát triển cho PHR.
Mảng cao su vẫn sẽ mang lại nguồn thu chính trong 5 - 10 năm tới, với kế hoạch tiêu thụ và giá bán bình quân được duy trì khả quan. Hiện PHR có hơn 15.900 ha quỹ đất tại Bình Dương và 7.664 ha trồng cao su tại Campuchia, sở hữu nhà máy với công suất 33.000 tấn/năm.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN