Chứng khoán ngày 6/6: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 6/6.

Khuyến nghị khả quan FRT với giá mục tiêu 146.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Nâng khuyến nghị cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN và tăng giá mục tiêu thêm 26% chủ yếu do cho rằng chuỗi nhà thuốc Long Châu (LC) đang trên đà tăng trưởng bền vững với khả năng sinh lời được cải thiện.

Giá mục tiêu cao hơn do (1) tăng dự báo LNST giai đoạn 2022-2026 thêm 7% và (2) cập nhật giá mục tiêu từ cuối năm 2022 sang giữa năm 2023.

VCSC dự báo LC sẽ mở 400 cửa hàng mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025, phù hợp với kế hoạch triển khai cửa hàng của FRT. Điều chỉnh tăng dự báo LNST giai đoạn 2022-2026 cho LC thêm 34%, chủ yếu do giả định số lượng cửa hàng và doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng cao hơn.

Vào năm 2026, VCSC dự báo doanh thu và LNST của LC sẽ lần lượt đạt 25 nghìn tỷ đồng và 566 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) tương ứng là 35% và 67% trong giai đoạn 2022-2026.

Dự báo FPT Shop (mảng kinh doanh ĐTDĐ) sẽ ghi nhận CAGR doanh thu đạt 5% trong giai đoạn 2022-2026 nhờ thế mạnh trong phân khúc iPhone & laptop, bị ảnh hưởng một phần bởi sự cạnh tranh gay gắt.

Rủi ro: việc triển khai cửa hàng của LC và khả năng sinh lời thấp hơn kỳ vọng; lạm phát ảnh hưởng chi tiêu không thiết yếu.

Chung khoan ngay 6/6: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 

Khuyến nghị mua VIC với giá mục tiêu 112.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Giữ nguyên khuyến nghị MUA đối với Tập đoàn Vingroup (VIC) và giá mục tiêu là 112.000 đồng/cổ phiếu do cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2023, thay đổi phương pháp định giá cho mảng công nghiệp sang phương pháp giá trị sổ sách so với EV/doanh thu trước đây và bị ảnh hưởng bởi nợ ròng cao hơn tính đến cuối quý 1/2022.

VCSC vẫn giữ quan điểm lạc quan về việc Vingroup có hưởng lợi mạnh mẽ từ tầng lớp thu nhập trung bình cao vốn đang gia tăng tại Việt Nam - đặc biệt thông qua các công ty bất động sản như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và Vinpearl. Đánh giá cao tiềm năng của VinFast trong việc trở thành thương hiệu xe điện hàng đầu trong nước cũng như nhà sản xuất xe điện toàn cầu trong dài hạn.

Trong năm 2022, VCSC tiếp tục kỳ vọng lợi nhuận cao từ mảng bán BĐS và lợi nhuận phục hồi của mảng cho thuê bán lẻ, điều này sẽ bù đắp cho khoản lỗ từ kinh doanh (EBIT) mảng khách sạn - nghỉ dưỡng và công nghiệp. VCSC dự báo tổng EBIT và thu nhập tài chính ở mức 28 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 so với 23 nghìn tỷ đồng dự báo trước đó, chủ yếu là do việc thoái vốn các mảng kinh doanh không cốt lõi cao hơn dự kiến trong quý 1/2022. VCSC dự phóng LNST trong năm 2022 là 5,3 nghìn tỷ đồng.

Giá trị định giá tổng của từng phần sử dụng thị giá hiện tại của VIC, VHM và VRE cho thấy các tài sản còn lại của VIC là VinFast, Vinpearl, Vinmec và VinSchool có trị giá là 1,78 tỷ USD (so với định giá của chúng tôi là 1,83 tỷ USD).

VCSC cho rằng yếu tố hỗ trợ của VHM và VRE dựa trên định giá của chúng tôi đối với hai cổ phiếu này (chi tiết hơn trong Báo cáo cập nhật VHM ngày 25/05 và Báo cáo cập nhật VRE ngày 24/05) cũng khiến giá cổ phiếu VIC hiện tại trở nên hấp dẫn - đặc biệt là sau đà điều chỉnh đáng kể của giá cổ phiếu VIC trong quý 1/2022.

Rủi ro cho quan điểm tích cực: Các đại dự án BĐS mới mở bán chậm hơn dự kiến; bàn giao xe chậm hơn dự kiến.

Khuyến nghị mua VPB với giá mục tiêu 49.100 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC)Duy trì khuyến nghị MUA và tăng giá mục tiêu thêm 2,3% lên 49.100 đồng/cổ phiếu dành cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) do (1) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023 bù đắp cho (2) dự phóng LNST thấp hơn 2,1% trong giai đoạn 2022-2026 so với dự báo trước đây và (3) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 2,0 lần xuống 1,95 lần.

VCSC tăng dự phóng thu nhập ròng (trước CĐTS) năm 2022 thêm 34,9% lên 21,8 nghìn tỷ đồng (+90% YoY) so với dự báo trước đó do (1) phí hỗ trợ bancasurrance cao hơn dự kiến được ghi nhận trong quý 1/2022 , (2) chi phí HĐKD (OPEX) giảm 13,9% và (3) giảm 1,1% trong giả định chi phí dự phòng.

VCSC lập mô hình cho (1) đợt phát hành ESOP sử dụng 30 triệu cổ phiếu quỹ và (2) phát hành riêng lẻ 793,3 triệu cổ phiếu sơ cấp cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho 15% cổ phần vào năm 2022.

Các khoản cho vay tái cơ cấu hợp nhất của VPB giảm từ 16,1 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2021 xuống 12,7 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022, trong đó 9,7 nghìn tỷ đồng là từ ngân hàng mẹ và 3,0 nghìn tỷ đồng là từ FE Credit (FEC).

Yếu tố hỗ trợ: Lợi nhuận đóng góp từ CTCP Chứng khoán VPBank và Công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES; tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến.

Rủi ro: Việc không đảm bảo được nhà đầu tư chiến lược sẽ khiến việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài /tăng trưởng tín dụng theo dự báo của chúng tôi khó đạt được; không kiểm soát được được chi phí tín dụng - đặc biệt là tại FEC.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN