Chứng khoán ngày 29/9: Lỗ của Bách hóa Xanh khả năng giảm đáng kể trong quý 3?

Các công ty chứng khoán đã đưa ra những khuyến nghị gì cho cổ phiếu MWG, STB và NAF trong phiên ngày 29/9?
MWG (Khuyến nghị Khả quan): Lỗ của BHX khả năng giảm đáng kể trong Q3/2023
Chứng khoán Bảo Việt: MWG vừa công bố KQKD sơ bộ T8/2023 với doanh thu tiếp tục đà cải thiện theo tháng, đạt 9.965 tỷ (+1% m/m), chủ yếu được hỗ trợ bởi BHX.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu thuần của MWG đạt 76.455 tỷ (-17% y/y), hoàn thành 63,9% dự báo cho cả năm 2023 của chúng tôi.
BHX: DT/cửa hàng ở mức tốt, tiến sát đến mục tiêu hòa vốn
Doanh thu của BHX trong T8/2023 tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 2,9 nghìn tỷ (+20,1% y/y & tăng nhẹ m/m). Điều này được dẫn dắt bởi lượng khách vào cửa hàng (traffic) tăng, tạo dư địa cải thiện giá trị mỗi lần mua hàng (ticket size), báo hiệu triển vọng tăng trưởng doanh thu bền vững khi kinh tế phục hồi.
Đáng chú ý, Tháng 7/2023 là một tháng đặc biệt với 5 ngày cuối tuần, nếu loại trừ yếu tố này, chúng tôi ước tính doanh thu điều chỉnh T7/2023 của BHX đạt 2.780 tỷ, nghĩa là mức tăng trưởng điều chỉnh của BHX trong T8/2023 là 3,7% so với tháng trước. Theo Công ty, lượng khách vào cửa hàng trong Tháng 8 tăng 4,0% m/m, chúng tôi hiểu rằng giá trị bình quân/đơn hàng trong Tháng 8 vẫn dậm chân, giảm nhẹ 0,3% m/m.
Số lượng cửa hàng trong tháng 8 vẫn không đổi so với tháng trước, ở mức 1.706 cửa hàng; chúng tôi ước tính DT/CH trong T8/2023 đạt 1,69 tỷ, tiến sát tới mực tiêu hòa vốn là 1,7-1,8 tỷ. Nhờ doanh thu vượt trội gần đây, chúng tôi kỳ vọng khoản lỗ trong Q3/2023 của BXH giảm mạnh so với quý trước (Lỗ Q1/2023: 354 tỷ; Q2/2023: 305 tỷ), là động lực chính cho lợi nhuận ròng của Công ty trong Q3/2023, theo quan điểm của chúng tôi.
BVSC duy trì quan điểm rằng triển vọng BHX hòa vốn và ghi nhận lợi nhuận đang trở nên rõ ràng hơn như đã đề cập trong Cập nhật trước. Điều này được củng cố với sự kết hợp của việc cải thiện (1) doanh thu/cửa hàng; (2) biên gộp; (3) chi phí hoạt động; và (4) tốc độ mở rộng mạng lưới chọn lọc hơn. Cụ thể, BVSC kỳ vọng BHX đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 trước khi ghi nhận LN dương trong 2024.
MCE: DT T8 phục hồi chậm nhưng sẽ khả quan hơn vào cuối năm
Doanh thu T8/2023 mảng MCE phục hồi 1,0% m/m, đạt 6,843 tỷ (-12,3% y/y), và cao hơn 26,7% so với mức thấp hồi T3/2023. Theo danh mục sản phẩm, T8/2023 chứng kiến sự tăng trưởng tích cực của mảng laptop và hàng điện lạnh.
Do yếu tố thời vụ (nhu cầu dịp tựu trường, iPhone 15 mới ra mắt và dịp cuối năm), chúng tôi kỳ vọng doanh thu và biên lợi nhuận mảng MCE sẽ cải thiện rõ rệt hơn.
Duy trì Outperform với giá mục tiêu 65.102 đồng (Upside: 26,4%)
Chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng 2023-2025 cho MWG, kỳ vọng sự phục hồi gấp 5,5 lần y/y trong 2024 và 23,1% trong 2025.
Dù triển vọng của MWG trong ngắn hạn tốt hơn nhờ các yếu tố cơ bản cải thiện, diễn biến giá cổ phiếu vẫn kém đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành, chủ yếu do áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài và thị trường điều chỉnh. BVSC tiếp tục khuyến nghị Outperform với MWG tại mức giá mục tiêu 65.102 đồng/cp (Upside: 26,4%).
Động lực tăng giá: (1) BHX hòa vốn sớm hơn kỳ vọng; (2) BHX hoàn thành phát hành riêng lẻ (tối đa: 20%); và (3) Thị trường MCE phục hồi mạnh mẽ hơn kỳ vọng.
Chung khoan ngay 29/9: Lo cua Bach hoa Xanh kha nang giam dang ke trong quy 3?
 
STB (Khuyến nghị Tăng tỷ trọng): Lợi nhuận tăng tốc
Chứng khoán Mirae Asset: Hoàn thành trích lập dự phòng nợ xấu và các khoản tài sản tồn đọng. 2023 là năm thứ 7 STB thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được phê duyệt. Ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng khi xử lý thành công 21.576 tỷ đồng lãi dự thu vào năm ngoái. Tính đến 31/08/2023, STB đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định đối với tất cả các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng bao gồm trái phiếu VAMC; lũy kế từ khi triển khai Đề án trích lập và phân bổ gần 35.600 tỷ đồng. Như vậy sau 6 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, STB đã hoàn thành xử lý 96.000 tỷ đồng nợ xấu.
LN sẽ tăng nhanh từ Q4/2023. STB tập trung trích lập DPRR từ trái phiếu VAMC, trong 6T đầu năm ngân hàng đã trích lập hơn 2.300 tỷ đồng DPRR cho khoản mục này. Từ tháng 9, STB sẽ không còn trích lập DPRR cho khoản trái phiếu này do đó chi phí dự phòng rủi ro sẽ giảm từ tháng 9 giảm gánh nặng DPRR trong quý Q4/2023 hỗ trợ mạnh đến lợi nhuận của ngân hàng.
Tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Năm 2023 STB đặt mục tiêu LNTT 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 50%, kết thúc nửa năm ngân hàng đã hoàn thành 50% mục tiêu trên. Chúng tôi dự báo năm 2023 STB sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch trên với mức LNTT đạt 9.750 tỷ đồng (103% kế hoạch). Cho năm 2024, chúng tôi kỳ vọng STB sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ chi phí DPRR giảm mạnh và đạt 14.000 tỷ LNTT, tăng 46,6% so với mức thực hiện năm 2023.
STB hiện trong nhóm các NHTM dẫn đầu về huy động vốn. Số dư huy động từ dân cư của STB cuối Q2/2023 đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng, chỉ xếp sau 4 ngân hàng Thương mại cổ phần quốc Doanh và hiện đang đứng đầu trong nhóm NHTM tư nhân. Huy động từ dân cư tốt tạo nền tảng cho STB tiếp tục duy trì tăng trưởng trong tương lai.
Phương án xử lý 590 triệu cp bị phong tỏa tại VAMC có thể chưa hoàn thành xử lý trong năm 2023. Về việc xử lý lượng cổ phần này, do tỷ lệ lên đến 30% tổng số cp của STB nên chúng tôi cho rằng việc xử lý sẽ cần cơ chế riêng và nhiều khả năng cần nhiều thời gian, do đó chúng tôi không đưa kịch bản xử lý số cp này trong ngắn hạn.
Rủi ro liên quan đến Bamboo Airway. STB hiện là chủ nợ lớn nhất của Bamboo Airways với dư nợ hiện là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức tín dụng của Ngân hàng STB. Rủi ro này hiện nay chúng tôi đánh giá vẫn chưa ảnh hưởng lớn đến triển vọng năm 2024 của STB
Định giá: Dự báo mức giá trị sổ sách (GTSS) của STB vào cuối 2023 đạt 24.200 đ/cp, chúng tôi đưa ra mức P/B mục tiêu là 1,5 lần do kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2024. theo đó giá mục tiêu của STB sẽ đạt 36.300 đ/cp.
NAF: Triển vọng tăng trưởng từ mảng xuất khẩu rau quả
Chứng khoán Vietcap: CTCP Tập đoàn Nafoods (HOSE: NAF) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam. Công ty thuộc top 3 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước và là doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo hàng đầu Châu Á (theo công ty).
Ngành nghề kinh doanh chính của NAF bao gồm nước ép trái cây cô đặc & nước ép Puree, các sản phẩm trái cây đông lạnh nhanh (IQF), cây giống chanh dây, trái cây tươi và các sản phẩm có giá trị gia tăng khác.
Thị trường xuất khẩu là nguồn doanh thu chính của NAF, đóng góp trung bình 78% vào doanh thu của công ty trong giai đoạn 2019-2022. Với thị trường trong nước, miền Nam là thị trường chính với trung bình 17% doanh thu giai đoạn 2019-2022. Miền Bắc và miền Trung chiếm chưa đến 10% doanh thu của công ty giai đoạn này.
Trong nửa đầu năm 2023, LNST sau lợi ích CĐTS của NAF tăng 57% YoY, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh số cây giống, nước ép trái cây cô đặc/Puree và các sản phẩm IQF. Bên cạnh đó, chi phí logistics và nguyên liệu chanh leo giảm cũng là yếu tố hỗ trợ chính cho sự tăng trưởng này.
NAF đặt mục tiêu LNST năm 2023 đạt 106 tỷ đồng (+33% YoY), mục tiêu mà chúng tôi tin là có thể đạt được nhờ quan điểm tích cực của chúng tôi về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.
NAF đặt mục tiêu doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2026 — tương đương tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 53% trong giai đoạn 2022-2026.
NAF hiện đang giao dịch với P/E trượt là 10,2 lần, nhìn chung phù hợp với mức trung bình của một số công ty cùng ngành là 9,5 lần. Theo quan điểm của chúng tôi, mức P/E trượt có phần cao hơn của NAF phản ánh những kỳ vọng tích cực từ nhà đầu tư về hiệu quả hoạt động trong ngắn và trung hạn của công ty.
NAF công bố sẽ trả cổ tức cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 15%.
Rủi ro chính: (1) Pha loãng EPS từ kế hoạch phát hành cổ phiếu năm 2023; (2) tỷ giá USD/VND tăng.
Triển vọng cho mảng xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2023, mảng xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD (+60% YoY). Trung Quốc là nước nhập khẩu rau quả Việt Nam nhiều nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD (+122% YoY) — tương đương gần 2/3 tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023. Trong khi giá trị xuất khẩu của Mỹ giảm 14% YoY, các thị trường khác như Châu Âu (115 triệu USD; +40% YoY) và Hàn Quốc (106 triệu USD; +12% YoY) đều ghi nhận kết quả khả quan. Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng vụ thu hoạch sắp tới sẽ mang lại gần 7,6 triệu tấn rau quả trong nửa cuối năm 2023, đảm bảo nguồn cung dồi dào cho các đơn hàng xuất khẩu lớn. Do đó theo ước tính của Hiệp hội, giá trị xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ vượt 5 tỷ USD vào cuối năm nay.
Chuỗi giá trị nông nghiệp “số, xanh, bền vững”. Sau gần 30 năm kể từ khi thành lập, NAF đã và đang phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp “số, xanh, bền vững”, trải dài từ khâu trồng trọt đến sản xuất và phân phối. Chuỗi giá trị này cho phép NAF cung cấp sản phẩm chất lượng cao tới các thị trường khắt khe trên toàn thế giới, đặc biệt trước những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt từ các thị trường xuất khẩu của NAF như Châu Âu và Trung Quốc. Công ty đặt mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu chuyên biệt, áp dụng quản lý số hóa từ 4,000 ha hiện tại tới 11,600 ha vào năm 2026.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN