'Bóng đen pháp lý' đe dọa tương lai của Bitcoin và tiền mã hóa

"Cơn sốt Bitcoin" cuốn nhiều nhà đầu tư vào cuộc chơi tiền mã hóa. Tuy nhiên, số vụ lừa đảo, hành vi phạm pháp và tính đầu cơ gia tăng buộc các cơ quan quản lý phải vào cuộc.
Theo Wall Street Journal, sau khi tải một ứng dụng được đánh giá gần 5 sao trên App Store, anh Phillipe Christodoulou mất toàn bộ số Bitcoin mà anh nắm giữ - 17,1 Bitcoin (tương đương 600.000 USD vào thời điểm đó) - trong chưa đầy một giây.
Ứng dụng giả mạo là nhà sản xuất thiết bị lưu trữ tiền mã hóa Treznor, dù không hề có mối liên kết nào với công ty này. Anh Christodoulou không phải người duy nhất mất trắng vì các chiêu trò lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa.
Coinfirm (có trụ sở tại Anh) - công ty chuyên điều tra các cuộc lừa đảo tiền mã hóa - tiết lộ đã nhận được hơn 7.000 yêu cầu của những người bị đánh cắp tiền mã hóa kể từ tháng 10/2019.
Giá Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác liên tục lập đỉnh mới trong hơn một năm qua. Nhiều người kiếm bộn tiền, thậm chí trở thành triệu phú nhờ đầu tư tiền mã hóa. Tuy nhiên, các chiêu trò lừa đảo cũng tăng theo, buộc cơ quan quản lý của các quốc gia phải lên tiếng cảnh báo hoặc vào cuộc. 
'Bong den phap ly' de doa tuong lai cua Bitcoin va tien ma hoa
 Giá Bitcoin và các loại tiền khác tăng không tưởng trong hơn một năm qua. Ảnh: Reuters.
Lên tiếng cảnh báo
Giá Bitcoin đã lao dốc trong vài ngày qua. Tuy nhiên, giá vẫn tăng hơn 300% so với một năm trước đó. Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - tăng giá 1.284%. Trong khi đó, Dogecoin - đồng tiền ra đời như một trò đùa - hiện đạt giá trị vốn hóa thị trường 53 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát của Harris Poll, khoảng 61% người Mỹ thừa nhận họ không hiểu, hoặc hiểu rất ít về cách tiền mã hóa hoạt động. Hầu hết người từng nghe đến tiền mã hóa không hiểu chúng hoàn toàn. Khoảng 43% bày tỏ sự nghi ngờ về tính hợp pháp của tiền thuật toán như một hình thức thanh toán.
Chủ tịch Gary Gensler của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) là một trong những tiếng nói quan trọng ủng hộ tiền mã hóa. Ông từng giảng dạy về blockchain và công nghệ tài chính tại Học viện Công nghệ Massachusetts.
Trong bài phát biểu hồi đầu tháng 5, ông Gensler khẳng định Bitcoin là "một kho lưu trữ giá trị kỹ thuật số". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đồng tiền "rất dễ bay hơi". Do đó, Chủ tịch SEC kêu gọi đưa ra thêm các quy định nhằm ngăn chặn gian lận và những hành vi khác để bảo vệ nhà đầu tư tiền mã hóa.
"Rất nhiều token tiền mã hóa - tôi sẽ không gọi chúng là tiền mã hóa vào thời điểm này - thực sự là chứng khoán", ông khẳng định. 
'Bong den phap ly' de doa tuong lai cua Bitcoin va tien ma hoa-Hinh-2
Giá Bitcoin tăng mạnh kéo số vụ lừa đảo tăng theo. 
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhiều lần đưa ra quan điểm tiêu cực về Bitcoin. Bà Janet Yellen đặt câu hỏi về tính hợp pháp và ổn định của đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới. "Tôi e rằng nó thường được sử dụng cho các mục đích tài chính trái phép", bà chỉ trích.
Bà Yellen nhận định Bitcoin "là cách thực hiện giao dịch cực kỳ kém hiệu quả". Bà nhấn mạnh rằng "lượng năng lượng tiêu thụ để xử lý những giao dịch đó thật sự rất đáng ngạc nhiên".
Trong khi đó, theo ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), tiền thuật toán “không có giá trị nội tại” và các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tâm lý thua lỗ. “Tiền mã hóa có thể có giá trị ngoài thị trường nhưng không có giá trị nội tại. Hãy chỉ đầu tư vào đó khi bạn sẵn sàng đánh mất tất cả tiền”, ông Bailey cho biết trong một cuộc họp báo.
Dữ liệu của hãng Action Fraud chỉ ra trong năm 2020, các vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa tại Anh đã tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019 lên 5.581 vụ. Đó là chưa kể đến những vụ lừa đảo chưa được báo cáo.
Tháng 1/2021, số vụ lừa đảo tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 lên 720 vụ, tương đương 23 vụ mỗi ngày. Hồi tháng 1, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cảnh báo Bitcoin là "một tài sản có tính đầu cơ cao và tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền".
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda cảnh báo rằng sự biến động giá mạnh của Bitcoin trong những ngày qua - liên quan đến các tweet của tỷ phú Elon Musk - có thể thúc đẩy cơ quan quản lý thắt chặt kiểm soát.
"Các cơ quan quản lý cần quan sát những động thái của Musk và thời điểm Tesla mua, bán tiền mã hóa. Nếu sau hàng loạt dòng tweet ủng hộ Dogecoin của vị CEO, Tesla thông báo đã đầu tư vào Dogecoin, các cơ quan quản lý sẽ nhắm vào công ty", ông Moya nhận định.
"Các nhà đầu tư nhỏ lẻ và bất cứ cá nhân nào đều có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, chúng tôi cần cập nhật và làm mới các quy định để đảm bảo rằng nhà đầu tư không gây hiểu nhầm, thao túng công chúng, thao túng thị trường", Chủ tịch SEC Gary Gensler nhấn mạnh trong một cuộc họp hồi đầu tháng 5.
Ra tay hành động
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định khắt khe đối với tiền mã hóa. Hồi cuối tháng 4, cơ quan giám sát tội phạm tài chính Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc điều tra sau khi hai sàn giao dịch tiền mã hóa ngừng hoạt động.
Vebitcoin - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ 4 Thổ Nhĩ Kỳ - thông báo sẽ tạm dừng hoạt động chỉ vài ngày sau khi sàn Thodex đóng cửa. Nhà sáng lập 27 tuổi của Thodex đã trốn ra nước ngoài. Theo tờ Haberturk, sàn Thodex có khoảng 390.000 người dùng. Các luật sư tiết lộ họ có thể thiệt hại lên tới 2 tỷ USD.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cấm sử dụng tiền mã hóa để thanh toán kể từ ngày 30/4. Quốc gia này cũng không cho phép các tổ chức thanh toán điện tử làm trung gian chuyển tiền sang những nền tảng tiền mã hóa.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 23/4, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Sahap Kavcioglu cho biết ngân hàng đang thảo luận thêm về các quy định khác. "Tiền mã hóa tạo điều kiện cho dòng tiền chảy khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó rất đáng lo ngại", ông nói thêm. 
'Bong den phap ly' de doa tuong lai cua Bitcoin va tien ma hoa-Hinh-3
 Tiền thuật toán bị chỉ trích tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp, bao gồm rửa tiền. Ảnh: Reuters.
Hồi tháng 3, Reuters dẫn một nguồn tin tiết lộ Ấn Độ đang đề xuất luật cấm hoàn toàn tiền mã hóa. Theo đó, nước này sẽ xử lý hình sự việc đào, sở hữu, phát hành, giao dịch và chuyển nhượng tài sản tiền mã hóa. Dự luật nhiều khả năng sớm được thông qua.
Trung Quốc không cấm các nhà đầu tư sở hữu tiền mã hóa. Tuy nhiên, công dân nước này không được phép chuyển đổi từ NDT sang tiền mã hóa.
Công dân Trung Quốc hiện vẫn làm điều đó thông qua Tether - một stablecoin có giá trị gắn với đồng USD. Tiền từ Tether sau đó sẽ được chuyển sang Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác. Nhưng theo chuyên gia Phillip Gillespie - CEO hãng B2C2 Japan, Trung Quốc hoàn toàn có thể ra lệnh cấm đối với đồng Tether. 
Khi số lượng nhà đầu tư trẻ tăng vọt, chính quyền Thái Lan cũng lên kế hoạch siết chặt quản lý các giao dịch tiền mã hóa.
Hồi cuối tháng 2, bà Ruenvadee Suwanmongkol - Tổng thư ký Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan - cho biết nhà đầu tư lẻ có thể phải chứng minh thu nhập hoặc tài sản trước khi mở tài khoản trên 6 sàn giao dịch tiền mã hóa được cấp phép của nước này.
Theo bà Ruenvadee, các quy tắc mới có thể buộc nhà đầu tư cá nhân phải có một số kiến thức nhất định về tiền mã hóa trước khi mở tài khoản giao dịch.
Giới chuyên gia nhận định kế hoạch phát triển tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương cũng có thể tạo áp lực lên tiền mã hóa. Theo chuyên gia Phillip Gillespie, sức hút của tiền thuật toán sẽ bị triệt tiêu nếu chính phủ thông qua những quy tắc mới để quản lý thị trường này.
"Chẳng hạn, một khi đồng NDT kỹ thuật số được tung ra thị trường, các loại tiền mã hóa như Bitcoin sẽ đối mặt rủi ro cực lớn", ông Gillespie cảnh báo.
Theo Thảo Cao/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN