Bán 'chui' cổ phiếu HHV, Tập đoàn Hải Thạch bị phạt 1,83 tỷ đồng

Tập đoàn Hải Thạch bị phạt 1,83 tỷ đồng do bán "chui" 12,2 triệu cổ phiếu HHV và bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 2 tháng.
Ngày 11/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn Hải Thạch số tiền lên tới 1,83 tỷ đồng.
Tập đoàn Hải Thạch bị xử phạt số tiền trên do đã có hành vi vi phạm hành chính giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở GDCK Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin.
Cụ thể, theo công bố thông tin của Sở GDCK Hà Nội, Tập đoàn Hải Thạch được thực hiện giao dịch chuyển nhượng 12,2 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) từ ngày 15/11/2021 đến ngày 17/11/2021.
Tuy nhiên Tập đoàn Hải Thạch đã thực hiện chuyển nhượng số cổ phiếu trên vào ngày 12/11/2021. Như vậy, Tập đoàn Hải Thạch đã giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở GDCK Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin.
Do đó, Tập đoàn Hải Thạch bị phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong thời hạn 2 tháng theo quy định. 
Thời điểm Tập đoàn Hải Thạch chuyển nhượng số cổ phiếu trên, HHV đang giao dịch trên sàn UPCoM. Đến giữa tháng 1/2022, HHV mới huyển niêm yết sang HOSE và hiện đang giao dịch quanh mức 16.000 đồng/cp trong phiên sáng 14/7, tăng hơn 33% trong vòng 3 tháng qua.
Được biết, Tập đoàn Hải Thạch là tổ chức liên quan đến ông Võ Thụy Linh - Ủy viên HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV),
Ngoài ra, ông Võ Thuỵ Linh hiện còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Hải Thạch B.O.T, một cổ đông lớn của HHV. Hải Thạch B.O.T mới đây đã bán ra 41,8 triệu cổ phiếu HHV từ ngày 16/1 đến 8/2/2023 qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20,11%.
Ban 'chui' co phieu HHV, Tap doan Hai Thach bi phat 1,83 ty dong
 
HHV tiền thân là công ty quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, sở hữu kinh nghiệm vận hành và sửa chữa các dự án hầm. Giai đoạn 2013-2015, công ty được cổ phần hoá và lên sàn UPCoM. Đến năm 2016, HHV được Tập đoàn Đèo Cả thâu tóm để trở thành công ty con.
Hiện nay, HHV đang vận hành 15 trạm thu phí BOT để hoàn vốn cho 4 dự án, bao gồm: Hầm đường bộ qua Đèo Cả, Hầm Phước Tượng - Phú Gia, Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường mặt đường QL1, và Dự án mở rộng QL1A qua tỉnh Khánh Hòa.
Do đặc thù ngành, dòng tiền của các dự án BOT thường yếu trong những năm đầu vận hành và sẽ dần được cải thiện trong những năm tiếp theo, do tổng mức đầu tư ban đầu lớn, lưu lượng giao thông quan trạm thu phí còn thấp trong thời gian đầu vận hành khi thói quen di chuyển chưa thay đổi và các dự án thường sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao (khoảng 70-80%) do đó áp lực trả lãi vay, nợ gốc lớn trong những năm đầu.
VNDirect kỳ vọng doanh thu giai đoạn 2023-2024 lần lượt của HHV ở mảng thu phí BOT tăng 12,5% và 10,7% khi đạt 1.669 tỷ đồng và 1.847 tỷ đồng. 
Động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ các trạm BOT An Dân, Đèo Cả và Cù Mông kỳ vọng được tăng giá vé 18% theo PATC trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023; Các trạm BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và QL1 kỳ vọng tăng giá 15% theo PATC trong năm 2024. Trong khi đó, việc nền kinh tế dần ấm trở lại sẽ giúp lưu lượng phương tiện qua các trạm thu phí tăng trưởng ổn định.
Biên lãi gộp của mảng thu phí BOT giai đoạn 2023-2024 sẽ giảm lần lượt 1,9 điểm % và 0,7 điểm %, đạt 61,1% và 60,4%, do công ty đang có kế hoạch thực hiện trung tu hầm Đèo Cả và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong thời gian tới.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN