Vì sao nữ đại gia Trần Thị Lâm rời ghế lãnh đạo ngân hàng Vietbank?

Bà Trần Thị Lâm rời khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc VietBank theo nguyện vọng cá nhân sau gần 10 tháng được bổ nhiệm. 
Bà Trần Thị Lâm có trách nhiệm bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu cho nhân sự do Tổng Giám đốc chỉ định; chịu trách nhiệm cá nhân (nếu có) đối với các công việc liên quan trong thời gian đảm nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Vietbank.
Trước đó, ông Lê Huy Dũng cũng nhận quyết định HĐQT VietBank không tái bổ nhiệm ví trí Phó Tổng Giám đốc. Như vậy, ban điều hành Vietbank còn lại 7 người, trong đó, bà Trần Tuấn Anh làm Tổng Giám đốc.
Bà Lâm sinh năm 1959, quê ở Quảng Ngãi, là doanh nhân nổi tiếng trên thương trường khi tham gia sáng lập Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng VietBank, Bệnh viện Quốc tế CIH, Bệnh viện Gia An 115…
Theo báo cáo quản trị năm 2023 của VietBank công bố đầu năm 2024, bà Lâm đang đảm trách vị trí Chủ tịch tại nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la, Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City... Tại Dược phẩm Hoa Lâm, bà sở hữu từ 5% vốn điều lệ.
Tại VietBank, ông Dương Ngọc Hòa, chồng bà Lâm có nhiều năm dẫn dắt với cương vị Chủ tịch HĐQT. Song, ông Hòa đã rời vị trí từ 2021, hiện nay, con trai bà Lâm, ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch HĐQT.
Gia đình bà Lâm đang sở hữu 11,73% vốn VietBank, trong đó, ông Dương Ngọc Hòa (chồng) nắm 4,55% vốn, ông Dương Nhất Nguyên (con trai) nắm 3,36%, con gái Dương Mai Anh nắm 2,1% và Dương Bảo Anh nắm 1,7%.
Bà Lâm cùng chồng thành lập Tập đoàn Hoa Lâm vào 1993, chuyên sản xuất xe gắn máy, tay ga. Tập đoàn tham gia vào lĩnh vực tài chính thông qua đầu tư Ngân hàng VietBank từ 2006. Sau đó, tập đoàn lấn sân tiếp vào lĩnh vực y tế, sổ số điện toán (Vietlott), bất động sản, giáo dục…
Theo Tường Như/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN