Xót xa, hàng nghìn căn hộ nghỉ dưỡng ven biển xây dựng trên “đất vàng” bị bỏ hoang

Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa, nhưng hàng loạt dự án nghỉ dưỡng với diện tích “khủng” lại rơi vào cảnh ngừng thi công, chậm tiến độ suốt nhiều năm gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc cho người dân.

Theo nghiên cứu của bộ phận Nghiên cứu thị trường - BHS Group (BHS R&D), từ năm 2020 đến nay, cả nước có 81 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang trong quá trình bàn giao, cung cấp ra thị trường hơn 44.000 sản phẩm, bao gồm cả cao tầng và thấp tầng. Trong đó có tới 67/81 dự án đã đi vào khai thác vận hành, tương đương với con số gần 20.000 sản phẩm.

Trong 81 dự án trải dài ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, miền Trung dẫn đầu với 34 dự án do sở hữu lợi thế đường bờ biển dài nhất, theo sau là miền Bắc và miền Nam với số dự án lần lượt là 29 và 18 dự án.

Hàng nghìn sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nằm "đắp chiếu"

Tại Đà Nẵng, điển hình là “siêu dự án” Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng đưa vào khai thác năm 2017, đến năm 2019 tuyên bố vỡ trận ở phân khúc condotel, hiện tiêu điều, nhếch nhác.

Được biết, dự án này của Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) được khởi công vào tháng 6/2016 tại khu vực ven biển đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Thời điểm khởi công dự án vào tháng 6/2016, chủ đầu tư cho hay Cocobay có tổng vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích khoảng 31ha. Dự án được giới thiệu là tổ hợp du lịch và giải trí với nhiều hạng mục như sân khấu biểu diễn trong nhà, sân khấu biểu diễn ngoài trời, quảng trường du lịch, tuyến phố đi bộ cùng hệ thống lưu trú condotel và khách sạn Boutique.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” do gặp nhiều vướng mắc. Chủ đầu tư nhận lỗi vì không thể chi trả lợi nhuận với khách hàng như cam kết (12%/năm, trong 8 năm).

Khu nghỉ dưỡng Hội An Golden Sea (phường Cẩm An, TP Hội An) ở ven biển An Bàng thi công dang dở

Tại Hội An, khu nghỉ dưỡng Hội An Golden Sea (phường Cẩm An, TP Hội An) ở ven biển An Bàng. Dự án này do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào quý III/2020. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn gần 3 năm, dự án vẫn trong tình trạng chưa biết ngày về đích.

Một dự án khác tại Hội An là khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông. Dự án này nằm ở vị trí “đất vàng” trên tuyến đường ven biển Điện Bàn - Hội An (thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn). Dự án do Công ty Cổ phần kinh doanh quản lý Bất động sản Trung Kỳ Viêm Đông làm chủ đầu tư, được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2014 nhưng đến nay mới xây dở phần khung 2 block nhà.

Khu resort 3 sao tại xã Bảo Ninh (Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh)

Tương tự, tại Quảng Bình, Khu resort 3 sao tại xã Bảo Ninh (Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh) của Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quảng Bình, và khu khách sạn 5 sao Pullman của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Bảo Ninh hiện cũng đang trong cảnh bỏ hoang.

Trong đó, dự án khách sạn 5 sao Pullman do Công ty CP du lịch Hà Nội - Quảng Bình làm chủ đầu tư với diện tích hơn 56.000m2, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Quy mô xây dựng khối khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng gồm 283 phòng ngủ khách sạn và 18 căn biệt thự. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm được cấp quyết định cho phép thực hiện, dự án khách sạn 5 sao Pullman này vẫn chỉ là những khối bê tông nằm ở khu "đất vàng" ven biển của tỉnh Quảng Bình.

Với Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh của Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quảng Bình do Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 424 tỷ đồng trên quy mô 4,25ha cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nhiều dự án trơ khung cọc bê tông giữa nắng mưa

Theo Báo cáo của DKRA Group thống kê số lượng tồn kho Condotel lũy tiến đến tháng 6 đã tăng lên 42.364 căn. Trong đó, tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên xấp xỉ 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II/2023 lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và Nam.

Lượng tồn kho lớn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng dư thừa nguồn cung. Nguyên nhân phần do tâm lý nhà đầu tư e ngại kinh tế suy thoái, phần do nội tại những sản phẩm đã cung cấp ra thị trường chưa được sử dụng hiệu quả. Tình trạng các sản phẩm đã bàn giao nhưng nằm không nhiều năm qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông Hoàng Hữu Minh Dũng – Trưởng ban R&D BHS Group nhìn nhận bên cạnh tình trạng toàn thị trường địa ốc gặp khó do suy thoái kinh tế chung, tỉ lệ lớn các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng “bơ vơ” do chưa có đơn vị chuyên nghiệp đứng ra khai thác vận hành là một phần nguyên nhân khiến dòng bất động sản nghỉ dưỡng kém hấp dẫn các nhà đầu tư. Giá phân khúc này dự báo tiếp tục đi ngang và sẽ là phân khúc phục hồi chậm nhất...

Quỳnh Chi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN