TP.HCM: Đường Lê Lợi được trồng hơn 80 cây xanh sau đề xuất lắp mái che

Hơn 80 cây me được trồng mới trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) giúp tạo mảng xanh, diện mạo mới cho tuyến phố sầm uất sau hơn một năm được trả mặt bằng.

Từ 8/12 đến nay, hơn 80 cây me đã được trồng trên vỉa hè, dải phân cách đường Lê Lợi, quận 1, tạo nên diện mạo mới cho tuyến phố sầm uất ở trung tâm sau hơn một năm được trả mặt bằng.

Trước đó, cuối năm 2022, toàn bộ tuyến đường Lê Lợi được trả lại mặt bằng, tổ chức giao thông sau 8 năm thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tuyến đường, vỉa hè hướng từ giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành trở nên trơ trụi, không một bóng cây. Đối lập với hướng ngược lại do không ảnh hưởng thi công tuyến metro số 1 nên vẫn giữ được hai hàng cây xanh.

Vỉa hè, dải phân cách đường Lê Lợi hướng đi chợ Bến Thành được tạo mảng xanh mới, bóng mát với những hàng me tây vừa được trồng trong những ngày qua so với hình ảnh những mặt tiền nhà, cửa hàng cũ kỷ, trơ trọi trước đó.

Hồi tháng 3 năm nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất lắp mái che trên vỉa hè để chống nắng, che mưa, tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại – du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành với kinh phí ước tính sơ bộ khoảng 20 - 30 tỷ đồng. Giải pháp trên được đưa ra trong điều kiện tuyến đường chưa thể bố trí ngay cây xanh đủ lớn phục vụ nhu cầu đi bộ, mua sắm của người dân, du khách. Tuy nhiên, phương án này chưa được thực hiện.

Hiện tại những đoạn vỉa hè đề xuất lắp mái che đã được trồng thành những hàng cây xanh, bước đầu tạo mảng xanh dọc tuyến phố.

Đoạn vỉa hè, dải phân cách hướng đi Nhà hát TP trên đường Lê Lợi từ đoạn giao với đường Pasteur đến phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng đã được trồng hàng chục cây me.

Hàng cây mới được trồng ngoài tạo mảng xanh, bóng mát cho người đi đường còn giúp đồng bộ cảnh quan với những cây xanh không bị ảnh hưởng thi công tuyến metro trước đó. Toàn bộ tuyến đường Lê Lợi được trồng mới 84 cây me.

Những cây xanh mới trồng có đường kính 10-15, cao hơn 4m, được bố trí từng ô trên vỉa hè và dải phân cách, cách nhau khoảng 8m.

Nhiều cây có tán khá nhiều, lá tươi xanh sau khi được trồng những ngày qua giữa thời thiết nắng gắt.

Quá trình trồng, mỗi cây được chống đỡ bằng ba cọc gỗ. Các nhóm công nhân cố định giá đỡ chằng néo cây được thiết kế hình tròn, 3 chân bằng chất liệu thép có tính thẩm mỹ cao.

Bà Trần Thị Việt Hồng, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm bên đường Lê Lợi cho biết rất vui mừng khi tuyến đường được trồng mới những hàng cây me. “Tôi thấy trồng cây xanh vẫn tốt hơn bởi vừa có mảng xanh, tạo bóng mát, lại đỡ khô cứng so với giải pháp làm mái che nhưng khả năng vẫn bị nóng”, người phụ nữ này nói.

“Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có bóng cây xanh trước nhà. Việc trồng lại cây xanh thời gian tới sẽ giúp tuyến đường lại được xanh tươi, mát mẻ hơn nên chúng tôi phấn khởi lắm”, ông Trần Hữu Đức, ngụ đường Lê Lợi chia sẻ.

Những hàng cây vừa được trồng giúp tuyến đường Lê Lợi sầm uất, nhiều du khách qua lại cảm thấy bớt trơ trọi hơn so trước đó.

Sáng 12/12, các nhóm công nhân tiếp tục cố định khung giằng néo cây, chuẩn bị bó vỉa hố, hoàn thành phần lớn số cây đã được trồng.

Khoảng 20 hố của số cây còn lại đã được cắt ô bêtông để tiếp tục trồng mới trong thời gian tới tại đoạn giải phân cách, vỉa hè giáp đài phun nước phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đường Lê Lợi, quận 1 từ Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành dài gần 1km, là một trong những tuyến đường có vị trí đắc địa, sầm uất và đắt đỏ nhất ở trung tâm TP.HCM.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, tuyến đường Lê Lợi có tính chất là trục đường thương mại, dịch vụ, nơi dừng chân của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Do đó, cần thiết phải có nghiên cứu xây dựng trục đường Lê Lợi trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại và bền vững.

Hồng Lam

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN