Loạt ngân hàng điều chỉnh mạnh lãi suất tiết kiệm, xu hướng điều chỉnh chưa dừng lại

Dù lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn xu hướng điều chỉnh vẫn sẽ chưa dừng lại trong thời gian còn lại của năm 2023.

Sau khi thiết lập mức lãi tiết kiệm cao nhất lên tới gần 12%/năm trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay, lãi suất tiết kiệm đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh sau 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Theo khảo sát, gần như toàn bộ ngân hàng tư nhân từ cuối tháng 7 đến nay đều điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Lãi suất giảm tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm bình quân 0,3-0,35% một năm.

Mới nhất, ngân hàng Eximbank mới công bố biểu lãi tiết kiệm mới hôm 19/8, trong đó lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,1 điểm % so với trước đó. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng áp dụng chỉ còn 5,9%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online, lãi nhận cuối kỳ. Với mức điều chỉnh này, Eximbank đang có lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thấp hơn cả nhóm Big4 (dao động trong khoảng 6 – 6,3%/năm).

Cùng với đó, ngân hàng VIB cũng giảm 0,2 - 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 6,5%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Trước đó, VIB đã có một đợt giảm lãi suất tiền gửi vào ngày 14/8 vừa qua.

SHB cũng là một trong những ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây

Tương tự, biểu lãi tiết kiệm mới của ngân hàng NCB cũng giảm 0,1 – 0,2 điểm % tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Trong đó, mức cao nhất mà ngân hàng này áp dụng sẽ giảm về còn 7,1%, dành cho các kỳ hạn 12 – 13 tháng, theo hình thức gửi tiền online.

Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) là nhà băng điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm mạnh tay nhất đợt này. Theo đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được MSB hạ 1%, đưa mức lãi cao nhất về còn 6% một năm. Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng giảm đồng loạt 0,7% lãi suất với khoản tiền từ 6 tháng trở lên. Hay một số nhà băng khác như PGBank, GPBank, VietBank, ABBank cũng giảm tới 0,7-0,8% một năm.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước và 4 ngân hàng nước ngoài cho thấy, hiện chỉ còn duy nhất 1 ngân hàng có lãi tiết kiệm trên 8%/năm với mức huy động 8,3%/năm. Theo đó, mức lãi suất này đang được Ngân hàng Đông Á áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 1 tỷ trở lên.

Các ngân hàng tư nhân nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 6,9 – 7,4%/năm. Hiện chỉ còn khoảng chục ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất từ 7% trở lên cho người gửi tiền (dưới 1 tỷ đồng), gồm VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, PVComBank, NamABank, HDBank, BacABank, Kienlongbank, DongABank.

Khoảng 20 nhà băng còn lại đều niêm yết lãi suất dưới 7% một năm. Trong đó, tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 6,2 – 6,9%/năm như: SHB (6,9%), VPBank (6,8%), Sacombank (6,5%), MB (6,6%), Techombank (6,3%), ACB (6,2%)…

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền cao nhất là 6,3%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Trong bối cảnh nhóm ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh giảm, Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank không còn là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường. Theo đó, ngân hàng Eximbank có lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 5,9%/năm; hay như ACB với lãi suất huy động cao nhất chỉ 6,2%/năm.

Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm nhiều kỳ hạn đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.

Theo dự báo của Chứng khoán VnDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. VnDirect cũng nhận định, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN