Khối Tây Phi quyết định “ngày can thiệp” vào Niger

Một quan chức cấp cao của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cho biết "ngày can thiệp" được xác định sau cuộc họp 2 ngày của giới lãnh đạo quốc phòng ECOWAS, và sẽ có hiệu lực nếu các giải pháp khác thất bại.

Giới lãnh đạo quốc phòng ECOWAS có cuộc họp kéo dài 2 ngày liên quan tới việc can thiệp quân sự vào Niger. Ảnh: Reuters

Theo đài RT, ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh ECOWAS, ngày 18/8 tuyên bố, các lãnh đạo của khối đã xác định được ngày để đưa quân tới Niger. 

"Chúng tôi sẵn sàng hành động bất cứ khi nào nhận được lệnh", ông Musah nói với các phóng viên sau khi kết thúc cuộc họp của giới lãnh đạo quốc phòng ECOWAS ở thủ đô Accra của Ghana.

"D-Day đã được quyết định. Chúng tôi đã thống nhất và điều chỉnh những gì cần thiết cho sự can thiệp quân sự", ông Musah nói. D-Day là tên chiến dịch đổ bộ lớn nhất lịch sử của quân Đồng minh lên bãi biển Normandy (Pháp) trong Thế chiến 2, trong câu của ông Musah có thể hiểu là ngày đưa quân can thiệp.

"Nếu các phương án khác thất bại, các lực lượng dũng cảm của Tây Phi, cả quân sự và dân sự, đều sẵn sàng đáp ứng nếu có lệnh can thiệp", vị quan chức cấp cao của ECOWAS nói thêm. 

Phát biểu tại lễ bế mạc cuộc họp quân sự, ông Musah đã viện dẫn các lần triển khai quân trước đây của ECOWAS ở Gambia và Liberia như những ví dụ cho việc can thiệp quân sự thành công. Đồng thời, ông Musah hứa rằng "trật tự hiến pháp ở Niger sẽ được khôi phục bằng mọi cách có thể". 

Dù cho biết giới lãnh đạo quốc phòng ECOWAS đã xác định "ngày can thiệp" nhưng ông Musah không tiết lộ đó là ngày nào. Vị quan chức của khối Tây Phi cũng tuyên bố, can thiệp quân sự là giải pháp cuối cùng, khi các biện pháp khác thất bại. Ông Musah cho biết, ECOWAS cũng đang chuẩn bị "một sứ mệnh hòa giải" để tạo cơ hội ngoại giao cho Niger. 

Đầu tuần này, các lãnh đạo quân sự ECOWAS tuyên bố "đã bắt đầu kích hoạt lực lượng dự phòng" để sẵn sàng cho việc can thiệp quân sự vào Niger, nơi quân đội đã thực hiện cuộc binh biến, phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum ngày 26/7.

Một quan chức ECOWAS ngày 17/8 cho biết, phần lớn 15 thành viên của khối đều sẵn sàng đóng góp vào lực lượng chung của khối, ngoại trừ Cape Verde, Mali, Burkina Faso và Guinea.

Charles Stratford, phóng viên của Al Jazeera, cho rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào có thể của ECOWAS nhằm khôi phục chính quyền dân sự ở Niger sẽ "đối mặt với nhiều rào cản chính trị và pháp lý". 

"Những rào cản này bao gồm sự chấp thuận của quốc hội và cơ quan lập pháp của các nước thành viên ECOWAS. Quốc hội Nigeria đã nói không với bất kỳ hành động quân sự tiềm tàng nào", ông Stratford nói. 

Ông Mutaru Mumuni, giám đốc điều hành tại Trung tâm Chống chủ nghĩa cực đoan Tây Phi, cho rằng ECOWAS dường như đang gửi đi những tín hiệu "lẫn lộn và khó hiểu" về Niger. 

Theo ông Mumuni, khối Tây Phi này nói rằng lựa chọn quân sự là phương án cuối cùng và nó mở ra cơ hội đối thoại và đàm phán. Nhưng đồng thời, khối này cũng tập trung vào can thiệp quân sự, phương án vốn "còn có những tranh cãi".

"Không có bất kỳ thiện chí nào với mọi cuộc chiến và can thiệp quân sự vào Niger", ông Mumuni nói.

Tâm Hoa - RT, Al Jazeera

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN