Hình ảnh không ngờ ở cây cầu có kiến trúc giống cầu cổ, giúp tài xế tránh nắng mưa

Cây cầu bắc qua hồ Linh Đàm được thiết kế với các nhịp thép hình cánh cung khá giống kiến trúc các cây cầu cổ. Tuy nhiên, cây cầu mới này rất ít xe qua lại.

Cầu vòm thép vượt hồ Linh Đàm (nằm trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nối đường Nghiêm Xuân Yêm với đường Bằng Liệt

Hiện xe máy đã được phép lưu thông, nhưng điều lạ là rất ít phương tiện di chuyển qua cây cầu này.

Người đi xe máy di chuyển qua tuyến đường này chắc chắn không ngại nắng, mưa bởi cây cầu được xây dựng dưới gầm đường vành đai 3 trên cao.

Cây cầu bắc qua hồ Linh Đàm - một trong những hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội

Các nhịp cầu được thiết kế dạng vòng cánh cung khá giống các cầu thép cổ như cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng) hay cầu Tràng Tiền (Thừa Thiên - Huế)

Kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu gần 300m, mặt cắt ngang cầu rộng 7,5m, bề rộng phần xe chạy 6m.

Lan can dọc 2 bên cây cầu được lắp đặt biểu tượng của Thủ đô Hà Nội - Khuê Văn Các.

Cầu chỉ dành riêng cho xe máy và cấm ô tô, xe đạp, người đi bộ.

Do nằm dưới đường trên cao nên đường qua cầu khá tối dù đang là ban ngày.

Cầu vòm sắt được kỳ vọng sẽ giảm tải lưu lượng giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, khu vực bán đảo Linh Đàm.

Hiện các phương tiện xe máy có thể di chuyển qua cầu, nhưng ngay cả khi vào giờ cao điểm, có rất ít phương tiện lưu thông trên qua cầu.

Người dân di chuyển trên đường Nghiêm Xuân Yêm theo hướng Nguyễn Xiển đi Giải Phóng đều lựa chọn giải pháp rẽ trái hoặc rẽ phải thay vì đi vào cầu vòm thép.

Anh Lộc (31 tuổi; sống ở phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Từ ngày cây cầu vòm thép vượt hồ Linh Đàm đưa vào sử dụng, tôi rất ít khi đi vào đây, bởi tôi thấy hành trình di chuyển dài hơn phía đường bên ngoài".

Nhiều người dân sống xung quanh đây tận dụng làm chỗ đi bộ tập thể dục dù cầu cấm người đi bộ.

Trần Như

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN