Báo Trung Quốc phản ứng sau khi G7 phát thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh

Báo Trung Quốc cho rằng, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm G7 nhắc đến Trung Quốc hơn 20 lần không phải là điều gây ngạc nhiên và đang tạo cơ sở cho một cuộc đối đầu trong tương lai.

Các lãnh đạo nhóm G7 trao đổi trong ngày đầu diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ vào tuần này,

Trong tuyên bố chung được đưa ra hôm 14/6, các nhà lãnh đạo nhóm G7 cáo buộc Trung Quốc gây ra "những tác động nghiêm trọng và rộng rãi về an ninh".

Các lãnh đạo nhóm G7 tuyên bố sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với các chính sách kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề sản xuất công nghiệp dư thừa. G7 cam kết sẽ hành động chống lại "các hành vi không đẹp", nhằm "tạo ra sân chơi công bằng”.

G7 phản đối hành động được cho là nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhóm G7 cũng chỉ trích mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc và Nga.

Theo tờ Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố chung mà G7 đưa ra cho thấy Trung Quốc là một trong những mục tiêu của nhóm.

G7 đã đưa ra các cáo buộc phi lý trong nhiều lĩnh vực nhằm vào Trung Quốc, bao gồm mối quan hệ với Nga, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng, vấn đề Đài Loan, Biển Đông và nhân quyền. Hoàn Cầu nói G7 đã hơn 20 lần đề cập tới Trung Quốc trong tuyên bố chung.

Việc đổ trách nhiệm cho Trung Quốc một lần nữa cho thấy G7 đang trở thành công cụ của Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu, Li Haidong, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu hôm 15/6.

Mỹ đang cố gắng thúc đẩy sự đồng thuận quốc tế, bịa đặt rằng "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về mọi cuộc khủng hoảng" nhằm đặt nền tảng cho sự cạnh tranh gay gắt hơn trong tương lai, ông Li nhận định.

Ông Li nói các nước thành viên trong nhóm G7 chỉ đơn thuần là hưởng ứng theo Mỹ mà không có các chiến lược độc lập. Điều này gây bất lợi cho môi trường an ninh tương lai của chính các nước thành viên G7 và cộng đồng quốc tế nói chung, ông Li nói thêm.

Theo tờ Hoàn Cầu, nhiều lãnh đạo quốc gia trong nhóm G7 thực tế đang đánh mất sự ủng hộ trong nước và đang tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm cho Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng.

Ông Li nhắc đến việc ngay sau hội nghị, nhiều lãnh đạo G7 lên đường sang Thụy Sĩ để tham dự hội nghị hòa bình Ukraine.

“Việc kết nối hai hội nghị thượng đỉnh cho thấy tư tưởng đối đầu và bè phái của phương Tây trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế”, ông Li nhận định. “G7 đang cố gắng chia thế giới thành các phe phái khác nhau bằng cách sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine. Cách tiếp cận này không giúp giải quyết xung đột mà còn gây ra mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu”.

Zhang Hong, chuyên gia tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, mô tả nỗ lực bôi nhọ Trung Quốc là chiến thuật của Mỹ để giành lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu.

“Trung Quốc có mối quan hệ thương mại bình thường với Nga và hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục giao thương với Nga", ông Zhang nói trên tờ Hoàn Cầu. “Hành động vô trách nhiệm của các nước phương Tây đang làm trầm trọng thêm những tổn thất mà Ukraine phải gánh chịu".

Nhật Minh - Hoàn Cầu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN