VietinBank, PVcomBank, PGBank, Petrolimex, ACV vào diện kiểm toán năm 2021

Kiểm toán Nhà nước công bố 5 ngân hàng sẽ vào diện kiểm toán trong năm 2021 gồm VietinBank, PVcomBank, PGBank, Ngân hàng Hợp tác xã VN và Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Ngày 25/11/2020, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1688/QĐ-KTNN ban hành Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021. Theo Quyết định, năm 2021, kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ tổ chức thực hiện 181 cuộc kiểm toán trên các lĩnh vực, tăng 23 cuộc so với KHKT năm 2020.
Kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN thực hiện 25 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 17 Tập đoàn, Tổng công ty; 4 ngân hàng và 3 doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%.
Trong đó, KTNN sẽ kiểm toán 5 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Ngoài 5 ngân hàng này, KTNN cũng sẽ kiểm toán Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tồng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Điện lực TKV, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp, Tổng Công ty đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam.
VietinBank, PVcomBank, PGBank, Petrolimex, ACV vao dien kiem toan nam 2021
 
Mục tiêu và nội dung kiểm toán năm 2021 là lựa chọn các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nuớc năm 2020 kết hợp với việc đánh giá công tác cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…
Thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, Tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; xử lý nợ xấu; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo quy định tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020; Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN