TTC Tourist thành lập thêm công ty về du lịch giữa lúc bộn bề Covid-19

Hội đồng quản trị CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, HoSE: VNG) đã thông qua quyết định thành lập công ty con là Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế TTC (TTC Travel).
 

Theo đó, TTC Hospitality có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, do TTC Tourist sở hữu 100% vốn. Ngành nghề kinh doanh chính của chủ yếu là điều hành tua du lịch và vận tải hành khách đường bộ khác.

TTC Tourist bổ nhiệm bà Phan Thị Hồng Vân – Tổng Giám đốc Công ty làm Chủ tịch TTC Hospitality và là người đại diện phần vốn góp. Đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Nhân Nhật Phú làm Giám đốc.

TTC Tourist hiện đang sở hữu hơn 9 khách sạn 4 sao và 3 sao, 3 resort, 2 trung tâm hội nghị, 1.200 phòng ở, 2 khu vui chơi, 6 nhà hàng. Trong đó, công ty đầu ngành VNG cung cấp dịch vụ lữ hành và sở hữu 3 khách sạn mang thương hiệu TTC Hotel tại Cần Thơ, Đà Lạt, Hội An và 1 khách sạn tại Angkor.

Theo báo cáo tài chính gần nhất, trong quý 4/2019, TTC Tourist ghi nhận gần 198 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng giảm 7% về mức hơn 38 tỷ đồng.

Hơn nữa, doanh thu tài chính cũng giảm đến 59% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận gần 3,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 7,8 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính trong kỳ tăng 19%, chiếm hơn 20 tỷ đồng.

Sau cùng, TTC Tourist báo lỗ hơn 23 tỷ đồng trong quý 4, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 15 tỷ đồng.

Được biết, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm trong quý 4 đồng thời Công ty phải đầu tư mua thêm công ty con làm giảm doanh thu từ hoạt động cho vay. Những điều này khiến Công ty báo lỗ.

Với kết quả kinh doanh thua lỗ này, Công ty vẫn ghi nhận hơn 21 tỷ đồng lãi ròng trong cả năm 2019, giảm hơn 54% so với năm 2018. Doanh thu thuần trong năm 2019 đạt gần 918 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 919 tỷ đồng của năm trước.

TTC Tourist thanh lap them cong ty ve du lich giua luc bon be Covid-19
 

Covid-19 bùng phát, nơi đóng cửa du lịch, nơi lập nên chi nhánh mới

Gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia nhận định ngành du lịch là một trong những ngành bị tác động nhiều nhất.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, du lịch và giao thông là những ngành chịu tác động trực tiếp. Các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất: du lịch, lưu trú, hàng không khi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng khi người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch.

Còn trong một báo cáo gần đây của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), công ty chứng khoán này cho biết du lịch và các ngành liên quan chịu tác động tiêu cực nhất.

Với các nước như Việt Nam, Philippines và Thái Lan, sự sụt giảm khoảng 20% lượng du khách từ Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến 0,6-1,3% GDP.

Là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt, chiếm hơn 32% tổng lượt khách quốc tế năm 2019. Thiệt hại rõ rệt nhất trong ngắn hạn là ngành du lịch. Đặc biệt những khu vực mà lượng khách đến từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn công suất lấp đầy như Nha Trang, Đà Nẵng, Vân Đồn,…

Với những tác động khá tiêu cực đó, CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An (HoSE: HOT) vừa thống nhất bàn giao toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất tại chi nhánh Khu du lịch Biển Hội An (Hoi An Beach Resort) cho UBND tỉnh Quảng Nam để làm cơ sở lưu trú an toàn cho khách ngoại giao và du khách quốc tế theo yêu cầu của tỉnh Quảng Nam. 

Điều này đồng nghĩa với việc HOT sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh của chi nhánh này để bàn giao tài sản cho UBND tỉnh Quảng Nam phục vụ công tác chống dịch Covid-19. 

Trái lại, trong đầu tháng 3, CTCP Du lịch Vietourist (Vietourist, UPCoM: VTD) cho biết Công ty vừa thành lập thêm 3 chi nhánh tại Phú Yên, Gia Lai và An Giang. Trước đó, Vietourist đã có 7 chi nhánh trực thuộc tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Cần Thơ.

Như vậy, với 3 chi nhánh thành lập thêm, Vietourist đã có 10 chi nhánh, văn phòng đại diện trên khắp toàn quốc.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN