Thị trường suy yếu, Sabeco báo lãi đi lùi 17% trong quý 1/2023

Theo Sabeco, lãi quý 1/2023 thấp do thị trường tiếp tục suy yếu trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại. 
Tổng CYCP Bia Rượu Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần sụt giảm 15% so cùng kỳ, về mức 6.213 tỷ đồng.
Giá vốn chiếm 4.290 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp cũng giảm 12% về còn 1.915 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên ở mức 30,8%, vẫn cao hơn so mức 29,7% của cùng kỳ.
Kỳ này, Sabeco ghi nhận doanh thu tài chính tăng mạnh 56% lên 358 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính mặc dù tăng gấp đôi nhưng chỉ chiếm hơn 21 tỷ đồng. Lãi liên doanh liên kết cũng giảm 19% về mức 44 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tăng lên 861 tỷ và 182 tỷ đồng.
Sau cùng, Sabeco ghi nhận lãi trước thuế 1.251 tỷ đồng và lãi ròng 967 tỷ đồng, giảm 17% so cùng kỳ.
Theo Sabeco, kết quả kinh doanh quý 1/2023 thấp hơn so cùng kỳ do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết Nguyên đán trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại. 
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Sabeco giảm gần 3.000 tỷ xuống mức 31.480 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và gửi ngân hàng cũng đều giảm so đầu kỳ, về mức 20.362 tỷ đồng; Hàng tồn kho lại tăng nhẹ lên 2.496 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn duy trì ở mức 895 tỷ đồng. Với hơn 2.251 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, Sabeco phải trích lập dự phòng tới 408 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Sabeco giảm khá mạnh tới 40% về còn 5.907 tỷ đồng. Trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chỉ chiếm lần lượt 582 tỷ và 352 tỷ đồng, tương đương đầu kỳ.  
Thi truong suy yeu, Sabeco bao lai di lui 17% trong quy 1/2023
 
Năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 15% lên 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ nhích 5% lên 5.775 tỷ đồng.
Theo Sabeco, thời gian tới các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những tác động không nhỏ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh từ cuộc khủng hoảng năng lượng và tăng giá nguyên, nhiên liệu do hệ quả cuộc xung đột Nga và Ukraine khi chi phí đầu vào tăng mạnh, sụt giảm nhu cầu của thị trường xuất khẩu do chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao...
Thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.
Đồ uống có cồn tại Việt Nam phải chịu 3 loại thuế gồm thuế nhập khẩu từ 5-80% tuỳ FTA, thuế GTGT 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh từ 50% lên 65% năm 2018.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN