Thị trường đang ‘căng’, sức khỏe của BAF như nào vẫn muốn phát hành trái phiếu?

Khoản nợ vay tài chính tăng mạnh trong 9 tháng, BAF tiếp tục triển khai phát hành đến 600 tỷ đồng trái phiếu trong thời điểm nhạy cảm của thị trường.
CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022.
Cụ thể, BAF dự kiến phát hành tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và phát hành tại thị trường trong nước.
Đối tượng được phát hành là Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation) – thành viên của Ngân hàng Thế giới (viết tắt IFC).
Thời gian dự kiến triển khai là trong quý 4/2022 - 1/2023. Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định là 5,25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ nhận bổ sung thêm 5,25%/năm cho các kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.
Về kế hoạch sử dụng số tiền huy động được trong đợt chào bán này, BAF dự kiến dùng 280 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh từ 120 tỷ đồng lên tới 400 tỷ đồng;
110 tỷ đồng sẽ góp vốn để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2 từ 20 tỷ lên 130 tỷ đồng; và góp lần lượt 70 tỷ đồng vào 3 Công ty là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh và Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh.
Thi truong dang ‘cang’, suc khoe cua BAF nhu nao van muon phat hanh trai phieu?
 BAF phát hành trái phiếu giữa lúc thị trường "nhạy cảm".
Đáng nói, BAF phát hành trái phiếu trong thời điểm thị trường khá nhạy cảm với dòng vốn này. Trước đó không lâu, BAF bất ngờ thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022.
Lý do về việc tạm dừng kế hoạch phát hành, BAF cho biết ngày 16/9, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
HĐQT Công ty nhận thấy một số nội dung đã nêu tại phương án không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay theo quy định mới của Nghị định 65.
Do đó, HĐQT đã nhất trí thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tiến hành điều chỉnh lại phương án cho phù hợp và nộp lại hồ sơ trong thời gian sớm nhất.
Hiện tại thì BAF cũng nắm giữ khá nhiều nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn, cụ thể tại ngày 30/9, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 454% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 741 tỷ lên 904 tỷ đồng và chiếm tới 18% tổng nguồn vốn, trong khi đầu năm chỉ chiếm 3% tổng nguồn vốn.
Bên cạnh tăng vay nợ từ ngân hàng, BAF còn phát sinh dư nợ trái phiếu là 300 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Đây là khoản được Công ty phát hành ngày 23/8 năm nay, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 10,5%/năm và định kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Được biết, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.
Về dòng tiền, trong 9 tháng, BAF ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 240,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 156,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 461,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 741 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, BAF đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Thi truong dang ‘cang’, suc khoe cua BAF nhu nao van muon phat hanh trai phieu?-Hinh-2
 Sản phẩm 'heo ăn chay' của BAF.
Chạy đua quảng bá cho heo ăn chay, cổ phiếu vẫn bị thờ ơ, lãnh đạo dần thoái vốn
Trong thời gian gần đây, BAF khá thu hút truyền thông bởi ra mắt xu hướng nuôi heo với sản phẩm “heo ăn chay” để cạnh tranh với “heo ăn chuối” của bầu Đức.
Phản hồi trước quan điểm “chạy đua quảng bá”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF cho biết chọn thời điểm này để ra mắt "heo ăn chay" vì trước đó Công ty chưa tối ưu được chi phí nuôi và công thức cám chay chứ hoàn toàn không phải vì HAGL đã tung sản phẩm heo ăn chuối đã gây được sự chú ý trước đó.
Ông Bá cho biết "heo ăn chuối" dùng chuối thay ngô, khoai sắn còn "heo ăn chay" dùng đạm thực vật. Heo ăn chay là tâm huyết của BAF xây dựng từ đầu, mất nhiều năm để bộ phận dinh dưỡng thử nghiệm ra được công thức phù hợp. Những công thức trước đó có giá thành quá cao khiến người tiêu dùng cũng khó chấp nhận.
Song song với quảng bá cho sản phẩm trên thì BAF cũng đưa ra bức tranh tài chính khá sáng cho quý 3 dù quý 2 trước đó có kết quả thụt lùi. Theo đó, quý 3 BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.920 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ nhờ giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế là 158 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 43% về 4.890 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế đạt 286 tỷ đồng, tăng 17%.
Dù lãi lớn nhưng cổ phiếu BAF lại gây thất vọng khi liên tục có chuỗi nằm sàn. Trong tháng 10, ban lãnh công ty đã đạo ồ ạt thoái vốn. Cụ thể, ông Lê Xuân Thọ - Thành viên HĐQT bán ra 2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2% về còn 0,55% vốn.
Ông Phan Ngọc Ân, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc bán ra 6,6 triệu cổ phiếu BAF để giảm sở hữu từ 6,32% về còn 1,73% vốn và không còn là cổ đông lớn tại BAF.
Cùng chiều, Phó Tổng Giám đốc Phan Ngọc Ấn bán gần 6,6 triệu cổ phiếu BAF giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn hơn 2,47 triệu đơn vị và không còn là cổ đông lớn.
Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang bán hơn 13,85 triệu cổ phiếu giảm lượng sở hữu cổ phiếu BAF từ hơn 19 triệu đơn xuống còn gần 5,17 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,6%) và không còn là cổ đông lớn.
Đáng nói bà Bùi Hương Giang chính là người đặt nền móng cho BAF khi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT khi doanh nghiệp chưa niêm yết. Trước thời điểm niêm yết, bà Bùi Hương Giang đã giảm sở hữu từ 80% về chỉ còn 13,25% vốn. 
Cũng giống bà Giang, nhiều lãnh đạo "rời bỏ" BAF trước khi doanh nghiệp lên sàn như ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Vũ Thị Thuỳ Dung đồng loạt bán ra toàn bộ cổ phiếu giảm sở hữu từ 10% vốn điều lệ về 0%. Động thái này làm tăng khối lượng trôi nổi bên ngoài lên hơn 80% khiến nhà đầu tư đặt ra sự hoài nghi về việc ai mới thực sự đang là cổ đông lớn để những nhà đầu tư bên ngoài tin tưởng?
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN