Thấy gì từ 3 kịch bản năm 2023 đầy bi quan của Vinatex?

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên sắp tới với 3 kịch bản cho năm 2023.
Ở kịch bản tốt, Vinatex giả định ngành sợi có hiệu quả trở lại ngay từ quý 3 và 4 với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt lần lượt là 1% và 2%, ngành may phấn đấu quý 3 hiệu quả tương đương quý 2, quý 4 hiệu quả tăng 10% so quý 3. 
Do đó, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu giảm nhẹ 11% so năm trước, về mức 17.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn giảm mạnh hơn tới 50% về còn 610 tỷ đồng.
Với kịch bản trung bình, Vinatex giả định dự kiến ngành sợi hoà vốn, không có hiệu quả trogn quý 3 và 4. Thị trường tiêu thụ sợi lớn nhất hiện tại là Trung Quốc vừa giảm về lượng nhập khẩu, vừa phải chấp nhận giảm giá nếu tiếp tục muốn bán thì kịch bản ngành sợi hoà vốn trong quý 3 và 4 đạt được cũng đã rất khả quan. Ngành may thiếu đơn hàng, dự kiến lao động ngừng việc trong quý 3.
Do đó, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu khoảng 16.500 tỷ, giảm 16% so năm 2022. Lợi nhuận đạt khoảng 450-500 tỷ đồng.
Kịch bản xấu nhất của Vinatex là doanh thu đạt khoảng 15.500 tỷ, giảm 25% so năm 2022. Lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 200 tỷ đồng. 
Ở kịch bản này, Vinatex giả định ngành sợi hoà vốn, không có hiệu quả trong quý 3 và 4 tương tự kịch bản trung bình. Trong khi ngành may dự kiến 30-35% lao động ngừng việc trong quý 3. Áp lực duy trì thu nhập bình quân 9,7 triệu đồng/người như năm 2022 cho 65.000 lao động trực tiếp trên báo cáo hợp nhất của Vinatex là rất lớn, khoảng 630 tỷ đồng/tháng.
Trong trường hợp quý 3 xảy ra thiếu đơn hàng thực sự, buộc phải ngừng việc cho khoảng 30-35% lao động nói trên để duy trì lực lượng lao động (không chấm dứt hợp đồng lao động), với mức lương tối thiểu phải trả là 4,68 triệu đồng/người, mỗi tháng Vinatex phải chi trả lương tối thiểu khoảng 100 tỷ đồng trong khi không có doanh thu, quý 3 sẽ lỗ gần 300 tỷ đồng chi phí lương để duy trì lao động. 
Lựa chọn kế hoạch 2023 dựa trên kịch bản tốt nhất
Dù vậy, Vinatex lựa chọn kịch bản tốt nhất để đưa ra kế hoạch cho năm 2023 trình cổ đông. 
Thay gi tu 3 kich ban nam 2023 day bi quan cua Vinatex?
 Kế hoạch 2023 của Vinatex với kịch bản khả quan
Theo Vinatex, năm 2023 ngành dệt may thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức phát sinh từ quý 4/2022 như xung đột Nga - Ukraina tiếp tục gây sức ép lên giá năng lượng và lương thực ảnh hưởng mạnh đến các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam.
Đồng thời, lạm phát đã được kiểm soát, các chính sách tiền tệ đã giảm bớt áp lực từ việc lo tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, song nền lãi suất cao khả năng sẽ được duy trì đến hết năm.
Ngoài ra, tổng cầu dệt may thế giới 2023 là 700 tỷ, dự báo giảm 8% so với năm 2022.
Riêng trong quý 1/2023, tình hình thị trường diễn biến với nhiều bất lợi như kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam giảm 19%, giảm mạnh hơn mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (13,3%). Các doanh nghiệp sợi không có nhu cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.
Thêm vào đó, doanh nghiệp may thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh 20-50%. Chi phí trong nước có xu hướng tăng như xăng dầu, lương, điện và lãi suất.
Do đó, doanh thu hợp nhất quý 1 của Vinatex chỉ đạt 4.456 tỷ đồng, giảm 14% so cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận lao dốc 69% về còn 118 tỷ đồng.
Theo Vinatex, quý 2 diễn biến vẫn trong giai đoạn phức tạp, chưa có dấu hiệu cải thiện trong ngắn hạn, việc thực hiện được kế hoạch 2023 đã đề ra là điều không dễ dàng trong bối cảnh hiện tại. Tập đoàn cần phải đặt ưu tiên và sự cân bằng giữa hiệu quả và đảm bảo hoạt động, sức khoẻ của doanh nghiệp, đảm bảo bộ máy người lao động để có sức bật sau khủng hoảng.
Thay gi tu 3 kich ban nam 2023 day bi quan cua Vinatex?-Hinh-2
 
Về kế hoạch cho năm 2024-2025, hiện nay tính đến quý 2/2023, kinh tế Mỹ cận kề suy thoái, châu Âu đang có khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu kết thúc, Trung Quốc mở cửa cầm chừng... ảnh hưởng đến sức mua, nhu cầu đối với các mặt hàng nói chung và hàng hoá dệt may nói riêng.
Trước tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán định, Vinatex dự kiến doanh thu sẽ tăng 3-4% cho năm 2024-2025. Còn lợi nhuận có thể không tăng, cố gắng duy trì bằng với năm 2023. 
Năm 2022 lãi giảm 15%, đã thoái vốn tại một số đơn vị
Nhìn lại năm 2022, Vinatex thực hiện được 19.589 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 15% so năm 2021. Lợi nhuận trước thuế lại giảm 15% về mức 1.212 tỷ đồng. Nhưng nhìn chung đều vượt kế hoạch đề ra.
Trong năm qua, Vinatex đã hoàn thành phần thô dự án cao ốc văn phòng, căn hộ Vinatex Building tại số 14 Võ Văn Kiệt, Quận 1, TPHCM. Trong khi đó tập đoàn tạm dừng triển khai dự án nhà máy Sợi Nam Định giai đoạn 2 do thị trường dệt may hiện tại và dự báo trong giai đoạn tới vẫnc òn khó khăn kéo dài.
Với dự án khu liên hợp Sợi May Quế Sơn, Quảng Nam, Tập đoàn đã hoàn thành việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Về thoái vốn, năm qua Vinatex đã hoàn thành việc thoái vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Bình Thắng, CTCP Bông Việt Nam, CTCP May Chiến Thắng và lãi gần 37 tỷ đồng, thu toàn bộ tiền thoái vốn là 60,6 tỷ đồng.
Hiện Vinatex đã triển khai thủ tục thoái vốn tại CTCP Dệt may Liên Phương, CTCP Sợi Phú Mai, CTCP Sợi Phú Việt, CTCP Sợi Phú Nam nhưng chưa hoàn thành do chưa có nhà đầu tư quan tâm.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN