PHR lợi gì khi bổ sung các cụm công nghiệp mới từ chuyển đổi đất cao su?

PHR là đơn vị hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN đang tăng cao tại tỉnh Bình Dương đang phát triển nhanh nhờ quỹ đất cao su được kết nối tốt với mạng lưới đường bộ hiện tại.
CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) là một trong những công ty sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất tại Việt Nam. Công ty hiện sở hữu quỹ đất 15.000 ha tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, PHR cũng vận hành các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương thông qua các công ty con và công ty liên kết. PHR là công ty con của Tập đoàn Cao su Việt Nam (HOSE: GVR). GVR sở hữu 66,6% cổ phần tại PHR.
Nguồn quỹ đất KCN lớn từ chuyển đổi đất cao su giúp PHR hưởng lợi từ nguồn cung hạn chế tại tỉnh Bình Dương. Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng KCN Tân Lập I (tổng diện tích đạt 200 ha) có khả năng được phê duyệt quy hoạch 1/2.000 khi quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2024.
Ngoài ra, VCSC dự đoán PHR có thể được phê duyệt đầu tư thêm 1.355 ha tổng diện tích đất KCN chuyển đổi từ đất cao su trong giai đoạn 2024-2025 từ 4 cụm công nghiệp Tân Định (300 ha) và KCN Tân Bình mở rộng (1.055 ha) vì VCSC cho rằng các cụm công nghiệp và các KCN mở rộng sẽ dễ dàng được phê duyệt hơn.
VCSC kỳ vọng KCN Tân Lập I và cụm công nghiệp Tân Định sẽ bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận của PHR từ năm 2025, và Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng sẽ bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận của PHR từ năm 2026.
KCN VSIP III sẽ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận trong năm 2024 sau khoản đầu tư BCC dự kiến 20%. PHR được hưởng 20% lợi nhuận từ việc bán đất của VSIP III (không dưới 1,2 tỷ đồng/ha).
Ngoài ra, PHR đang xin phê duyệt từ công ty mẹ là Tập đoàn Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) để đầu tư vào 20% cổ phần của KCN VSIP III trên mệnh giá (400 tỷ đồng) thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) trong năm 2023. VCSC dự báo tổng lợi nhuận từ KCN VSIP III sẽ chiếm 41%/31% tổng lợi nhuận trước thuế của PHR trong năm 2024/2025.
VCSC giả định mức cổ tức tiền mặt năm 2023 là 3.000 đồng/cp (tương đương lợi suất cổ tức 6,1%), bằng mức trả cổ tức tiền mặt tối thiểu năm 2023 đã được ĐHĐCĐ phê duyệt. Trong giai đoạn 2024-2025, VCSC kỳ vọng mức cổ tức tiền mặt là 3.000 đồng/cổ phiếu mỗi năm do công ty mẹ GVR đánh giá cao việc chi trả cao với tỷ lệ cao và ổn định.
PHR loi gi khi bo sung cac cum cong nghiep moi tu chuyen doi dat cao su?
 
Với những phân tích trên, VCSC vừa điều chỉnh khuyến nghị PHR từ Mua xuống Khả quan do giá cổ phiếu đã tăng 20% trong 5 tháng qua, nhưng nâng giá mục tiêu thêm 13% lên 55.000 đồng/cổ phiếu. 
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu đến từ (1) bổ sung thêm 4 cụm công nghiệp Tân Định (tổng diện tích 300 ha tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vào định giá và (2) định giá cao hơn cho CTCP Nam Tân Uyên (NTC, công ty liên kết mà PHR sở hữu 33%) do giả định giá bán trung bình cao hơn và doanh số cho thuê đất KCN tăng nhanh đối với KCN Nam Tân Uyên 2 mở rộng (NTU3).
Nhìn chung, VCSC giữ nguyên dự báo lãi ròng năm 2023 của PHR đạt 557 tỷ đồng, giảm 37% so cùng kỳ do khoản thu nhập bồi thường thấp hơn so với cùng kỳ năm trước từ VSIP III.
Đồng thời cũng hạ dự báo lãi ròng năm 2024 của PHR thêm 2% xuống còn 501 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2023 chủ yếu do thu nhập ròng từ các công ty liên kết thấp hơn vì VCSC dự báo tỷ trọng doanh số bán hàng được ghi nhận theo hình thức ghi nhận doanh thu một lần thấp hơn từ KCN NTU3. 
Trong khi đó, VCSC tăng dự báo lãi ròng PHR năm 2025 thêm 15% lên 826 tỷ đồng, tăng mạnh 65% so với năm 2024 do bổ sung thêm các cụm công nghiệp Tân Định và kỳ vọng việc bán hàng và bàn giao của các cụm công nghiệp này sẽ bắt đầu vào năm 2025.
VCSC cho rằng PHR là đơn vị hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN đang tăng cao tại tỉnh Bình Dương đang phát triển nhanh nhờ quỹ đất cao su được kết nối tốt với mạng lưới đường bộ hiện tại.
VCSC cũng lưu ý rủi ro là việc phê duyệt KCN trong tương lai bị trì hoãn, doanh số cho thuê đất KCN tăng chậm hơn dự kiến.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN