Lọt top 100 công ty vốn hoá lớn toàn cầu, VinFast được định giá sao?

Kết phiên giao dịch ngày cuối tuần, cổ phiếu VFS của VinFast dừng lại ở mức 68,77 USD/cổ phiếu, tăng 40,35%.   
Theo tờ Nhịp sống thị trường, cổ phiếu VFS của VinFast có thêm một phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần trên Nasdaq khi tăng hơn 40% lên mức 68,77 USD/cp. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ước tính lên đến 1 tỷ USD. Như vậy, cổ phiếu VinFast đã tăng 5 phiên liên tiếp đẩy thị giá tăng gấp 4,5 lần.
Giá trị vốn hóa tương ứng tăng thêm 123 tỷ USD chỉ sau một tuần, lên đạt xấp xỉ 160 tỷ USD. Cú tăng tốc tuần qua của cổ phiếu VFS giúp VinFast thu hẹp khoảng cách với Toyota, đồng thời củng cố vững chắc vị trí thứ 3 trong danh sách các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới (tính theo vốn hóa).
Nhờ giá cổ phiếu tăng cực mạnh, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng theo đó cũng đã tăng 14,7 tỷ USD lên 55,8 tỷ USD, tăng cao nhất thế giới. Đứng thứ 2 là tỷ phú Elon Musk tăng 6,1 tỷ USD. Với 55,8 tỷ USD, ông Vượng tiếp tục thăng hạng trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.
Hiện tại, ông Vượng đang đứng ở hạng 23 người giàu nhất hành tinh và đồng thời đã vượt qua tỷ phú Gautam Adani (55,2 tỷ USD) và Trương Nhất Minh (45 tỷ USD) trở thành người giàu thứ 3 châu Á sau Mukesh Ambani (95,9 tỷ USD) và Chung Thiểm Thiểm (60,3 tỷ USD).
Với 160 tỷ USD vốn hóa, VinFast đã bỏ xa hàng loạt tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô như Porsche, BYD, Mercedes, BMW, Volkswagen, Stellantis, Ferrari,… Đáng chú ý, vốn hóa của hãng xe điện Việt Nam còn lớn hơn tổng giá trị của 2 nhà sản xuất ô tô siêu sang nổi tiếng là Mercedes và BMW cộng lại.
Trong khi đó, xét trên tất cả các ngành nghề, con số 159,7 tỷ USD này đã giúp cho VinFast tăng đến 92 bậc trong danh sách các công ty có vốn hóa lớn nhất toàn cầu, vươn lên vị trí thứ 65 thế giới. Với vị trí hiện tại, vốn hóa của hãng xe điện này còn vượt qua cả những tên tuổi nổi tiếng như Dior, Walt Disney, Nike, Boeing Morgan Stanley, HSBC, Unilever, Qualcomn...
Trên bảng xếp hạng thế giới hiện nay, Apple vẫn đang là công ty có vốn hóa lớn nhất trên thế giới với mức 2.792 tỷ USD. Tiếp theo sau là một loạt các công ty công nghệ như Microsolf (2.399 tỷ USD), Saudi Aramco (2.236 tỷ USD), Alphabet (1.643 tỷ USD) hay Amazon (1.374 tỷ USD)...
Lot top 100 cong ty von hoa lon toan cau, VinFast duoc dinh gia sao?
Lọt top 100 cty vốn hoá lớn toàn cầu, VinFast được định giá sao? (ảnh minh họa: Internet). 
Trước khi lên sàn Mỹ, VinFast được định giá 23 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ sau cú rung chuông của Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy thì cổ phiếu VFS đã mở cửa phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq với giá 22 USD/cổ phiếu.
Với khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức định giá của VinFast thời điểm chào sàn chứng khoán Mỹ đạt xấp xỉ 50 tỷ USD. Kết phiên 15/8, cổ phiếu VFS đạt mức giá 37,06 USD (tăng 68,45% so với giá mở cửa), tương ứng giá trị vốn hóa lên đến hơn 85 tỷ USD.
Mới đây, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có cuộc trả lời trực tiếp trên kênh truyền hình CNN. Trong cuộc phỏng vấn, bà Thuỷ lần đầu chia sẻ chi tiết về công suất sản xuất của các nhà máy, số lượng đơn hàng, cơ hội gọi vốn trong tương lai của VinFast.
Hiện tại, VinFast đang có sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD. Khoản tiền này có thể giúp công ty thể hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận. Ban lãnh đạo hãng xe này cũng dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ đạt điểm hòa vốn và từ 2025 có thể đóng góp vào lợi nhuận cho Vingroup.
Riêng về cổ phiếu VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường. Số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.
VinFast được thành lập năm 2017, nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup. Công ty này nhanh chóng hiện diện tại Mỹ bất chấp phải cạnh tranh với một loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp xe điện như Tesla và BYD, bên cạnh đó là nhiều hãng xe nội địa khác.
Sau 6 năm thành lập, VinFast đã phát triển thành công hệ sinh thái xe điện toàn diện gồm các dòng xe SUV điện (từ minicar đến 5 phân khúc cơ bản: A-B-C-D-E); dải sản phẩm xe máy điện đa dạng gồm 7 dòng và xe buýt điện. Công ty đã bàn giao cho khách hàng tại Việt Nam các dòng ô tô điện gồm: VF e34, VF 8, VF 9 và VF 5; đồng thời xuất khẩu 2 lô xe VF8 đầu tiên tới Bắc Mỹ vào đầu năm nay và dự kiến, xe VinFast sẽ sớm có mặt tại châu Âu. Công ty vận hành nhà máy sản xuất ô tô hiện đại tại Hải Phòng, Việt Nam với tỷ lệ tự động hóa sản xuất lên tới 90% và công suất sản xuất hàng năm lên đến 300.000 xe trong giai đoạn 1.
Liên Hà Thái (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN