Kinh doanh thua lỗ, 'kỳ lân' VNZ còn bị phạt do 'ém' báo cáo tài chính soát xét

Ngày 17/11, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP VNG (UPCoM: VNZ).
Theo đó, VNZ bị phạt 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, VNZ không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), và website của Công ty đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét.
Ngoài ra, VNZ còn chậm trễ trong công bố thông tin trên hệ thống CBTT của UBCKNN, trang thông tin điện tử của HNX và của Công ty các tài liệu: BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2022.
Kinh doanh thua lo, 'ky lan' VNZ con bi phat do 'em' bao cao tai chinh soat xet
 
Về tình hình kinh doanh 9 tháng 2023, VNZ ghi nhận doanh thu thuần 6.431 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 2.924 tỷ đồng, cũng tăng khá 15% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, kỳ này VNZ gánh lỗ liên kết lên tới 261 tỷ đồng, nặng gấp 3 lần cùng kỳ. Đồng thời chi phí tài chính tăng vọt gấp 13 lần lên tới 144 tỷ đồng trong khi doanh thu tài chính sụt 34%.
Sau cùng, VNZ lỗ ròng 310 tỷ đồng trong 9 tháng 2023, nhẹ hơn mức lỗ của cùng kỳ là 422 tỷ đồng.
Hiện VNZ có 8 công ty liên kết gồm Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Dayone, Beijing Youtu, Telio, Funding Asia, OCG và Cloudverse. Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki có giá trị 510 tỷ đồng nhưng đã phải chịu lỗ hoàn toàn mất hết vốn đầu tư. Tiếp theo là khoản đầu tư 515 tỷ đồng vào Telio cũng ghi nhận lỗ luỹ kế khủng 290 tỷ đồng, các đơn vị còn lại cũng lỗ từ vài tỷ đến vài chục tỷ, chỉ riêng Dayone có lãi luỹ kế 4,7 tỷ đồng. 
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, nợ phải trả của VNZ tăng khá mạnh lên 5.097 tỷ đồng chủ yếu do tăng vay nợ tài chính khi chiếm 1.348 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. 
VNZ là công ty niêm yết kinh doanh dựa trên nền tảng internet hàng đầu tại Việt Nam chuyên phát triển và xuất bản trò chơi trực tuyến, truyền thông, công nghệ tài chính (ví điện tử) và chuyển đổi số (dịch vụ điện toán đám mây và các dịch vụ công nghệ khác).
Từ năm 2016 đến năm 2022, VNZ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% về doanh thu, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ mảng trò chơi. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính của công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu và công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 1,3 nghìn tỷ đồng từ mảng này vào năm 2022.
Trong giai đoạn 2023-2025, Chứng khoán Vietcap (VCSC) dự đoán lợi nhuận của VNZ sẽ có diễn biến tích cực. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi khoản giảm lỗ từ mảng công nghệ tài chính và khoản đóng góp lợi nhuận cao hơn từ mảng trò chơi trực tuyến. Lợi nhuận có thể cải thiện nhờ: (1) ZaloPay thu được lợi nhuận thông qua các sản phẩm tài chính số và cơ sở người dùng mạnh của VNZ, và (2) công ty cải thiện năng lực phát triển trò chơi trong nước và tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu.
Trong dài hạn, VCSC cho rằng VNZ sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn nếu công ty có thể đạt được động lực phát triển hoạt động mảng công nghệ tài chính bằng cách tận dụng danh mục kinh doanh đa dạng của mình, đặc biệt là nền tảng xã hội Zalo.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN