Đường sắt Việt Nam (VNR) đã giảm lỗ được 195,8 tỷ đồng năm 2022

Năm 2022, VNR ước đạt tổng doanh thu 7.340 tỷ đồng, đồng thời VNR đã giảm lỗ được 195,8 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), năm 2022, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ước đạt tổng doanh thu 7.340 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm, và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời VNR đã giảm lỗ được 195,8 tỷ đồng.
CMSC cũng cho biết việc triển khai đề án cơ cấu lại được VNR triển khai đảm bảo lộ trình, thời gian theo kế hoạch phê duyệt.
Trong khi đó, 6 tháng 2022, doanh thu thuần của VNR ghi nhận đạt 1.045 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ. Tuy nhiên do kinh doanh dưới giá vốn nên VNR lỗ gần 30 tỷ đồng sau 6 tháng, cũng khả quan hơn mức lỗ 104 tỷ của cùng kỳ 2021. Dù vậy cũng nâng lỗ lũy kế của VNR tại thời điểm cuối tháng 6/2022 lên tới 1.852 tỷ đồng.
Duong sat Viet Nam (VNR) da giam lo duoc 195,8 ty dong nam 2022
 
Ngày 7/12 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030. 
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương lập các quy hoạch theo quy định để cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ GTVT quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc cho phép một số ga đường sắt được tạm khai thác hoạt động liên vận quốc tế.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNR có kế hoạch đầu tư phương tiện, thiết bị đảm bảo hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa liên vận quốc tế. 
Trước đó Bộ GTVT chính thức có công văn trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.
Mục tiêu chính của phương án này là nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNR rà soát, có kế hoạch đầu tư phương tiện, thiết bị, bao gồm đầu máy, toa xe đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa liên vận quốc tế.
Bộ GTVT cho biết, quá trình đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng khu ga đường sắt sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn I (2022 - 2025), Bộ GTVT sẽ huy động khoảng 3.500 tỷ đồng từ ngân sách để tập trung nâng cấp 7 ga đường sắt liên vận quốc tế hoặc được quy hoạch là ga liên vận quốc tế, gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần.
Hiện tại, trên các tuyến đường sắt phía Bắc, có ga 2 (Đồng Đăng, Vật Cách) đã cân đối được vốn, lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2024 với chi phí 470 tỷ đồng. Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, 2 ga Kim Liên (Đà Nẵng) và Sóng Thần (Bình Dương) đã được lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 với kinh phí khoảng 2.300 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN