Coteccons thế nào sau 4 năm đổi chủ?

Dù doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận ròng quý I/2023 của Coteccons vẫn đi lùi so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của chi phí giá vốn và chi phí tài chính tăng cao.
Quý I/2023, doanh thu thuần của Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) đạt gần 3.130 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt hơn 3.124 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng doanh thu; tiếp đến là doanh thu hoạt động cho thuê văn phòng hơn 2,4 tỷ đồng và doanh thu cho thuê thiết bị hơn 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm 17% chỉ còn gần 56 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính bào mòn hết lợi nhuận của Conteccons. Cụ thể, trong quý I/2023, chi phí tài chính tăng vọt 168% so với cùng kỳ, lên gần 32 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay tăng vọt 127% lên hơn 24,8 tỷ đồng. Song nhờ khoản doanh thu tài chính tăng 12%, đạt 84,5 tỷ đồng (chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi cho vay/chậm trả) đã giúp Coteccons thoát lỗ.
Kết quả, Coteccons chỉ lãi sau thuế hơn 22 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm 24% so với cùng kỳ 2022. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 1,8%, còn biên lãi thuần đạt 0,7% trong quý I.
Coteccons the nao sau 4 nam doi chu?
 Sau “thay tướng”, đổi nhân sự, tình hình kinh doanh Coteccons thế nào? (ảnh: Internet).
Lãnh đạo Coteccons cho biết trong bối cảnh ngành bất động sản còn nhiều khó khăn, công ty đã thực hiện đa dạng hoá lĩnh vực thi công hay tập trung các dự án quy mô lớn để đạt được hiệu quả thay vì tập trung vào số lượng. Từ cuối năm 2022, doanh nghiệp đã dịch chuyển sang xây dựng nhà máy công nghiệp, các dự án hạ tầng hay tham gia vào những dự án phức tạp, có tính chuyên biệt, ít cạnh tranh. Ví dụ như dự án LEGO, Dung Quất 2, Diamond Crown hay tới đây là các dự án cơ sở hạ tầng như Motro line và Long Thành.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Coteccons tăng nhẹ 6% so với đầu năm lên mức 20.042 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất 56% với 11.317 tỷ đồng chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và đã được công ty trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng. Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và Công ty CP Đầu tư Minh Việt.
Bên cạnh đó, nợ phải trả tại Coteccons tăng 10%, lên hơn 11.805 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu do phát sinh khoản phải trả bao thanh toán gần 1.200 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Trong khi đó, tổng nợ vay tính đến ngày 31/3 là 1.163 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó 498 tỷ vay dài hạn bao gồm 471 tỷ dư nợ trái phiếu. Còn lại là dư nợ vay từ ngân hàng.
Về dòng tiền của Coteccons, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã tăng mạnh lên 1.239 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 325 tỷ đồng nhờ tăng mạnh các khoản phải trả. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 405 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 85 tỷ đồng giúp lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 929 tỷ đồng, cùng kỳ âm 356 tỷ đồng.
Đối với năm 2023, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu năm tài chính (kết thúc ngày 30/6/2023) là 7.644 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng, lần lượt tăng 144% và 880% so với cùng kỳ. Mục tiêu doanh thu cả năm 2023 là 16.537 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2022. Đây là những chỉ tiêu khá cao giữa bối cảnh ngành xây dựng năm nay còn chịu nhiều thách thức khốc liệt hơn năm trước.
Một nội dung đáng chú ý, Coteccons trình cổ đông cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3:1, cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu được quyền nhận thêm 1 cổ phiếu mới, nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển trên báo cáo tài chính riêng năm 2022. Nếu phát hành thành công, Coteccons sẽ phát hành thêm hơn 24,8 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 788,3 tỷ đồng lên 1.036,4 tỷ đồng và dự kiến triển khai trong năm 2023 hoặc thời gian khác…
Nhìn lại thời điểm Kusto - một cổ đông lớn "ngoại quốc" đã từ từ nhen nhóm xung đột ghế quyền lực tại Coteccons và có được chiếc ghế điều hành tối cao thời điểm cuối năm 2022 qua đó khép lại 4 năm xung đột đằng đẵng để thấy "sức khỏe" tài chính của Coteccons yếu đi nhiều dù đây là là cây đại thụ trong làng thầu xây dựng.
Thời điểm nhóm Kusto lên nắm quyền, bộ máy quản trị cũ của Coteccons thời điểm đó (từ HĐQT, tiểu ban chiến lược, tiểu ban lương thưởng, bộ phận nhân sự, kế toán kiểm toán đến ban điều hành), tất cả các nhân sự cốt cán gồm cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương, cựu CEO Nguyễn Sỹ Công, và các "chiến tướng" Trần Quang Quân, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Hiệp, Trần Văn Chính, Phan Huy Vĩnh, Từ Đại Phúc,… đã lần lượt dứt áo ra đi.
Dễ thấy 2 năm sau khi Coteccons đạt mức kỷ lục doanh thu 28.561 tỷ đồng (năm 2018) cũng là 2 năm trước khi xung đột tại đây ngã ngũ, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu trượt dốc. Coteccons thậm chí chứng kiến mức doanh thu xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trong năm 2021. Với mức lợi nhuận ròng năm 2021 chỉ 24 tỷ đồng và giảm về 21 tỷ trong năm 2022, thật khó để cổ đông có thể hình dung về một Coteccons từng lãi cả nghìn tỷ chỉ 4 năm trước đó.
Thực tế, cả quý 4 và năm 2022, Coteccons đều lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. Phải nhờ khoản lợi nhuận khác (tiền hoàn nhập chi phí) công ty này thoát khỏi tình trạng lợi nhuận âm.
Liên Hà Thái (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN