Chủ tịch Nam Kim: Cố gắng để NKG được margin, thuận lợi sẽ chia cổ tức cao

"Khó khăn ngành thép đã trải qua rồi, hi vọng sắp tới sẽ tốt hơn, còn khởi sắc chưa thì tuỳ thuộc vào nhiều ngành nghề. Nam Kim đã chịu đựng được như thời gian qua thì khi thị trường bùng phát sẽ phát triển nhanh hơn".
Những gì khó khăn nhất đã qua
Sáng 21/4, CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 và thông qua kế hoạch tổng sản lượng 940.000 tấn, tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng.
Kế hoạch này của NKG ghi nhận giảm 13% về doanh thu so với năm 2022 nhưng lại rất khả quan về lợi nhuận bởi năm qua công ty thua lỗ 107 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Thép Nam Kim đánh giá, năm 2023 là thời điểm để củng cố lại các mối quan hệ đối với đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính. Trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong quá khứ, Nam Kim cho rằng thị trường năm nay sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua. 
Dù vậy, NKG vẫn nhận thấy năm 2023 sẽ là một năm cực kỳ nhiều thách thức, những biến động giá nguyên liệu đầu vào, chất đốt... vẫn rất khó lường; rủi ro về lạm phát tăng cao, khiến nhu cầu về xây dựng suy giảm. Kinh tế thế giới đối diện với khủng hoảng khi lãi suất tăng cao, các dự án triển khai ngày một ít đi trong khi chi phí lãi vay toàn cầu tăng mạnh. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm về tôn mạ và ống thép. 
Thị trường nội địa sẽ khó khởi sắc khi các dự án bất động sản năm 2023 dự kiến tiếp tục chìm trong khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cũng sẽ dự kiến tăng trưởng chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của việc mất giá tiền tệ diễn ra trên toàn cầu.
Trong năm nay, Nam Kim dự kiến tiếp tục thực hiện sáp nhập Công ty TNHH Dae Myung Paper Việt Nam và ủy quyền cho HĐQT thực hiện việc sáp nhập. Ngoài ra, hiện Nam Kim đang làm thủ tục giấy tờ và chưa triển khai đầu tư nhà máy Nam Kim Phú Mỹ, lùi thời gian lại khi nào kinh tế phục hồi, kinh doanh ổn định.
Chu tich Nam Kim: Co gang de NKG duoc margin, thuan loi se chia co tuc cao
 ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Nam Kim diễn ra sáng 21/4 tại TPHCM
Cố gắng 6 tháng có lãi trở lại để cổ phiếu được cấp margin
Chủ tịch Hồ Minh Quang cho biết năm nay tự tin đạt kế hoạch kinh doanh đã đặt ra. Kế hoạch 2023 doanh thu giảm do giá nguyên liệu đầu vào giảm dẫn đến giá bán ra giảm, còn sản lượng dự kiến vẫn tăng. Trong bối cảnh thị trường khó, Nam Kim vẫn theo dõi và điều chỉnh kịp thời.
Ban lãnh đạo Nam Kim cũng tiết lộ, riêng trong quý 1/2023, dự kiến doanh thu giảm nên lợi nhuận không được tốt lắm nhưng vẫn đỡ hơn quý 3, 4/2022 và tương đối tốt hơn so với những đơn vị cùng kỳ. Sở dĩ kết quả quý 1 chưa tốt do tình hình vẫn còn khó khăn, giá cả mới ổn định và trùng thời điểm nghỉ tết… đồng thời do dự phòng các quý trước để lại.  
Trước câu hỏi của cổ đông về dự tính khi nào cổ phiếu NKG được cấp margin trở lại, ông Quang cho biết, NKG bị cắt margin nhưng giá cổ phiếu không rớt nhiều lắm. Công ty sẽ cố gắng trong 6 tháng có lãi trở lại để được cấp margin lại.
"Khó khăn ngành thép đã trải qua rồi, hi vọng sắp tới sẽ tốt hơn, còn khởi sắc chưa thì tuỳ thuộc vào nhiều ngành nghề. Nam Kim đã chịu đựng được như thời gian qua thì khi thị trường bùng phát sẽ phát triển nhanh hơn", ông Quang khẳng định.
Về thị trường xuất khẩu, giá HRC tại Mỹ trên 1.000 USD/tấn, tức cao hơn đến 300-400 USD so với Việt Nam. Tuy nhiên Nam Kim có khảo sát và thấy rằng hiện thị trường Mỹ nhu cầu không được tốt. Do đó lý giải tại sao hàng Việt đi Mỹ không cao. Nam Kim vẫn đang tập trung vào châu Âu, Úc, khu vực Đông Nam Á và sau đó mới tới Mỹ.
Một nguyên nhân khác cho việc xuất đi Mỹ hạn chế, hiện giá các sản phẩm từ Việt Nam qua Mỹ có đến 25% thuế, do đó chênh lệch 250-300 USD là bù cho chênh lệch thuế. Chưa kể, cước tàu đi Mỹ vẫn rất cao, chênh lệch thêm khoảng 150 USD, tổng chênh lệch như vậy phải vào mức 450-500 USD/tấn. Ngoài ra, thời gian đi mất vài tháng cũng đội thêm chi phí.
 "Năm nay không chia cổ tức nhưng khi thị trường thuận lợi sẽ chia nhiều hơn"
Chia sẻ về năm 2022, nhất là việc hàng tồn kho ở mức cao 7.400 tỷ đồng, Tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết, quý 2/2022 hàng tồn của Nam Kim ở mức khá cao so với quân bình lượng hàng bán. 
Quý 3, 4/2022, thị trường mất thanh khoản đặc biệt là xuất khẩu sụt giảm rất lớn nên Nam Kim tồn kho lớn, nhưng cuối 2022 giá hàng hoá bắt đầu tạo đáy và đi lên lại thì các đơn vị khác có chiều hướng giảm tối đa hàng tồn. Nhưng bản thân Nam Kim phải cân đối việc chuẩn bị hàng cho hoạt động quý 1, nên song song đó phải mua lại hàng và chấp nhận việc tồn kho tăng lại. 
Nhưng từ quý 1, 2 năm nay thì Nam Kim sẽ giảm dần trở lại. Tức mua bán cân đối chứ không chỉ nhất nhất là giảm tồn kho bằng mọi giá như một vài quan điểm của các doanh nghiệp khác.
Do đó tính đến quý 1/2023, hàng tồn kho của Nam Kim vào khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1.500 tỷ đồng so đầu kỳ.
Chủ tịch Quang nói thêm, đến nay tin vui là Nam Kim đã quân bình giá hàng tồn xuống mức thấp, ở mức an toàn. Từ đầu năm đến nay Nam Kim xuất khẩu khá tốt, giá bán khá tốt so với giá tồn kho.
Do tình hình kinh doanh năm 2022 không khả quan nên NKG quyết định không chia cổ tức. 
Khi cổ đông thắc mắc về kế hoạch cổ tức, Chủ tịch Hồ Minh Quang chia sẻ: "Nói về cổ tức tôi là người mong muốn nhất vì là cổ đông lớn (nắm 11,8%). Không chia cổ tức chúng tôi rất áy náy, nhưng nếu chia hết thì sẽ rất áp lực cho ban điều hành.
Mặc dù lợi nhuận chưa phân phối của Nam Kim còn rất nhiều nhưng trong bối cảnh thị trường khó khăn từ bất động sản đến ngân hàng... nên cũng chưa biết sắp tới sẽ như thế nào, trong khi công ty cùng ngành nhìn mình để sống. Mong nhà đầu tư thông cảm, năm nay không chia nhưng khi thị trường thuận lợi sẽ chia nhiều hơn. Không thể vì lợi ích nhỏ mà quên đi lợi ích lớn đặc biệt trong bối cảnh hiện nay". 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN