Chấp nhận đơn hàng biên lãi thấp, TNG báo lợi nhuận tháng 10 giảm 29%

Doanh nghiệp ngành may TNG đang đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng chung của toàn ngành. 
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vừa công bố báo cáo tài chính riêng tháng 10/2023 với doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 568 tỷ đồng.
Biên lãi gộp cải thiện 17,6% so với mức 15,4% cùng kỳ. Kết quả, TNG báo lãi sau thuế hơn 18,4 tỷ đồng, giảm 29% so với tháng 10 năm trước.
Lũy kế 10 tháng, doanh thu thuần đạt 6.007 tỷ đồng, lãi sau thuế 182 tỷ, lần lượt tăng 3% và giảm 29% so với cùng kỳ.
Chap nhan don hang bien lai thap, TNG bao loi nhuan thang 10 giam 29%
 TNG báo lãi tháng 10 giảm mạnh.
Hoạt động xuất khẩu giữ tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu chiếm 98%, nội địa 2%. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của TNG gồm Hoa Kỳ (chiếm 47%), Pháp (15%), Canada (8%), Nga (7%), Tây Ban Nha (6%)... Các khách hàng lớn nhất của TNG hiện nay là Decathlon, Nike, ANF, Adidas, Tomtailor.
TNG cho biết trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, Công ty đã phải chấp nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng và đảm bảo việc làm cho công nhân. Hiện, TNG duy trì ổn định việc làm cho hơn 17.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
Để hoàn thành mục tiêu doanh thu năm 2023 theo kế hoạch (6.800 tỷ đồng), từ nay đến hết năm, TNG tập trung vào các sản phẩm may chủ lực; tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng may xuất khẩu; đầu tư hệ thống trang thiết bị sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
Trước TNG, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng ước tính kết quả tháng 10 chưa khả quan và không đủ đơn hàng cho mùa cao điểm cuối năm.
Kết quả của những doanh nghiệp dệt may nói trên đặt trong bối cảnh tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt hơn 33 tỷ USD trong 10 tháng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên sang tháng 10, tình hình đã khả quan hơn với kim ngạch đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 9 và tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, các thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng dệt may đều có xu hướng giảm trong thời gian qua, đơn cử như thị trường EU, lượng đơn hàng giảm do các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas,… đã giảm mạnh.
Tại hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất kinh doanh năm 2024 hồi tháng 10, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng,khó khăn với ngành dệt may Việt Nam có thể kéo dài đến năm 2024 khi còn những yếu tố bất lợi như suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ…
Do vậy, các doanh nghiệp phải thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, đồng thời tìm cơ hội từ thị trường Mỹ, nâng cao năng suất, phát triển những mặt hàng mới…
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex nhận định tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến cải thiện hơn so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 5-7% so với năm 2022.
Hà Thảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN