ACV trích dự phòng phải thu khó đòi hơn 3.600 tỷ từ 3 hãng hàng không

ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ từ các hãng hàng không (chủ yếu ở Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines).
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2023, doanh thu thuần của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng 24% so với cùng kỳ lên 5.047 tỷ đồng. Mảng cung cấp dịch vụ hàng không đem về gần 4.068 tỷ đồng, chiếm 80% doanh thu thuần và tăng 20%. Mảng dịch vụ phi hàng không và bán hàng lần lượt chiếm 14% và 6%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.323 tỷ đồng, tăng 54%, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 1.075 tỷ. Tại cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ từ các hãng hàng không (chủ yếu ở Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines), chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng.
Trừ các chi phí khác, lãi ròng quý 4 của ACV đạt 1.561 tỷ, tăng thêm 25% so với cùng kỳ.
ACV trich du phong phai thu kho doi hon 3.600 ty tu 3 hang hang khong
 
Cả năm 2023, ACV đem về 20.032 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 8.562 tỷ, tăng lần lượt 45% và 18% so với năm 2022.
Năm qua, tổng hành khách đạt 113,5 triệu khách, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 32,6 triệu khách, tăng 173%.Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt hơn 1,2 triệu tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710.000 lượt chuyến.
Trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, ACV được chọn làm chủ đầu tư của nhiều dự án, công trình trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai 133.264 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, tổng tài sản của ACV trên 67.129 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Mức tăng chính đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Các khoản phải thu ngắn hạn gần gấp đôi đầu năm, ở mức 12.771 tỷ đồng, trong đó phải thu từ hãng Vietjet là 2.981 tỷ, Bamboo Airways là 2.132 tỷ và Vietnam Airlines là 1.831 tỷ.
Việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV tăng 65% so với đầu năm lên 7.852 tỷ, tập trung chủ yếu vào hai dự án sân bay Long Thành và nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất. So với cuối quý 3, khoản mục này tăng thêm 1.000 tỷ đồng.
Dư nợ đi vay tại cuối quý 4 là 10.456 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn từ nguồn vốn ODA bằng đồng yen Nhật. Trong năm công ty đã trả nợ gốc vay 366 tỷ. Tổng chi phí lãi vay cả năm là 67 tỷ. ACV khẳng định, công ty có khả năng thanh toán tất cả các khoản nợ vay.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN