Thuê đất khu công nghiệp để xây tượng dát 88 lượng vàng kinh doanh tâm linh?

Một doanh nghiệp ở Sóc Trăng thuê đất khu công nghiệp để làm tượng Phật nặng 19 tấn dát vàng. Dư luận cho rằng đây là hình thức kinh doanh tâm linh nhưng chủ dự án nói chỉ tạo "điểm nhấn".
Gần 3 tuần qua, người dân Sóc Trăng có nhiều ý kiến trái chiều nhau khi tham gia lễ đúc tượng Phật Dược sư dát vàng tại Khu công nghiệp An Nghiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Khu vực này rộng 4,2 ha, được Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm - Bánh pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên (Công ty Tân Huê Viên) thuê của Nhà nước trong thời gian 49 năm.
Xây tượng thờ trong khu công nghiệp có phù hợp?
 Ông Thái Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tân Huê Viên, cho biết điểm dừng chân ven quốc lộ 1 của ông là điểm du lịch cấp tỉnh. Muốn tạo "điểm nhấn" cho ngành du lịch của Sóc Trăng nên ông thuê khu đất liền kề nằm trong Khu công nghiệp An Nghiệp để xây Liên Hoa Bảo Tháp vào đầu năm 2018.
Thue dat khu cong nghiep de xay tuong dat 88 luong vang kinh doanh tam linh?-Hinh-6
 Khu đất rộng 4,2 ha ông Thái Tuấn thuê của Khu công nghiệp An Nghiệp để xây Liên Hoa Bảo Tháp.
Theo ông Tuấn, dự án có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Liên Hoa Bảo Tháp có hình hoa sen, cao 68 m, đường kính 119 m, sức chứa tầng trệt khoảng 200 người.
Tầng trên của công trình này ông Tuấn đặt tượng Phật Dược sư bằng đồng cao 6,8 m, nặng 19 tấn, dát 88 lượng vàng 24K. Lễ đúc tượng được ông Tuấn thực hiện vào ngày 14/8, kết hợp hội nghị tri ân khách hàng.
Phóng viên đặt vấn đề về việc đặt tượng Phật Dược sư sẽ hình thành khu du lịch tâm linh, thờ cúng. Tuy nhiên, ông Tuấn nói rằng mục đích của doanh nghiệp là muốn phục vụ du lịch, tạo điểm nhấn riêng biệt chứ không có thầy tu cúng bái theo kiểu thờ tự, tôn giáo.
"Vòng ngoài tôi làm tường rào là kỳ quan Vạn Lý Trường Thành rồi, bên trong điểm du lịch là Quốc hoa Việt Nam. Thờ Phật Dược sư là cá nhân tôi, khách du lịch quỳ lạy thì đó là việc tự tín ngưỡng của họ. Đặt tượng Phật giống như tôi mua món đồ gì đó để vô chứ không phải cơ sở tôn giáo", ông Tuấn lý giải.
Thue dat khu cong nghiep de xay tuong dat 88 luong vang kinh doanh tam linh?-Hinh-7

Bên trong Liên Hoa Bảo Tháp cao 68 m có tượng Phật Dược sư nặng 19 tấn được dát 88 lượng vàng. Ngoài cờ Tổ quốc, cờ của doanh nghiệp, ông Thái Tuấn còn treo cờ Phật giáo tại công trình. 

Ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, xác nhận khu đất Công ty Tân Huê Viên đặt tượng Phật Dược sư là thuê của Nhà nước 49 năm. Công trình này do Ban Quản lý các Khu công nghiệp Sóc Trăng cấp phép xây dựng vì khu đất này được quy hoạch du lịch - dịch vụ.
"Công ty xây đài sen, bên trong đặt tượng nhỏ thôi, nhằm thu hút khách du lịch cứ không có mục đích tôn giáo gì hết. Nghị định 82 của Chính phủ có nói về khu công nghiệp đô thị. Vì vậy, tỉnh khuyến khích vừa thực hiện khu công nghiệp kết hợp phát triển đô thị dịch vụ du lịch", ông Trong nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho rằng Công ty Tân Huê Viên đặt tượng Phật Dược sư theo phong tục tín ngưỡng dân gian, không phải hoạt động tôn giáo.
Theo ông Lý, xây tượng Phật Dược sư giống như một số điểm du lịch xây tượng Phật Di lặc và Suối Tiên ở TP.HCM là một ví dụ.
"Công ty Tân Huê Viên thuê đất trên 40 năm, nếu hết hạn mà Nhà nước thu hồi thì doanh nghiệp phải tự chịu", lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng khẳng định.
Thue dat khu cong nghiep de xay tuong dat 88 luong vang kinh doanh tam linh?-Hinh-8

Trong khuôn viên Công ty Tân Huê Viên, doanh nghiệp treo thông tin về lễ đúc tượng Phật Dược dư để thờ.

Ông Ngô Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết không được doanh nghiệp hoặc các cơ quan liên quan trình báo về việc Công ty Tân Huê Viên làm lễ đúc tượng Phật Dược sư trong đất thuê của khu công nghiệp.
"Tôi chỉ biết doanh nghiệp xây Liên Hoa Bảo Tháp hình hoa sen, còn xây tượng thì chưa biết. Để tôi kiểm tra lại", ông Ngô Hùng nói.
Xây hàng rào hình dáng Vạn Lý Trường Thành
 Ông Thái Tuấn (51 tuổi) xuất thân trong gia đình nghèo ở đường Nguyễn Du, TP Sóc Trăng. Sau năm 1975, thùng sữa đậu nành nóng ngoài chợ của người anh cũng chỉ đủ mua gạo đắp đổi qua ngày cho cả gia đình. Chính vì vậy mà học hết lớp 6, ông Tuấn phải nghỉ để đi sửa xe đạp.
Hai năm sau đó, ông Tuấn làm tạp vụ không công cho một lò bánh pía ở Vũng Thơm của xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) để được ăn cơm ngày hai bữa. Ông làm quần quật gần một năm sau mới được giao trộn nhân bánh.
Thue dat khu cong nghiep de xay tuong dat 88 luong vang kinh doanh tam linh?-Hinh-9
Ông Thái Tuấn xây hai đoạn cổng rào có hình dáng Vạn Lý Trường Thành. Đây là cổng vào khu du lịch. 
Làm thuê theo thời vụ, nhiều hôm ông phải làm đến tận nửa đêm, buồn ngủ và đói rã ruột. Tiền lương nhận được cũng chỉ "ba cọc ba đồng" nên hơn một năm đi làm ông chỉ dành dụm được đủ tiền để mua một vài tấm nhôm, một khúc gỗ và cây dao phay để chuẩn bị cho ước mơ táo bạo ở tuổi 17 là biến lò bánh men của gia đình thành lò sản xuất bánh pía, bánh trung thu và lạp xưởng.
Khi người anh cưới vợ, ông Thái Tuấn đánh liều mượn hết tiền cưới của anh để mua đường, bột, đậu xanh... về chất đầy sau chái bếp. Muốn sản xuất bánh, điều cần thiết nhất là phải có khuôn bánh, nhưng ông Tuấn không có tiền để đặt khuôn.
"Không có thì phải tạo ra cho có", kiên quyết như vậy, ông mang khúc gỗ mua sẵn ra và dùng dao phay chặt đẽo ròng rã bốn ngày bốn đêm. Cuối cùng, ông có trong tay vài khuôn ép bánh.
Năm 1992, cơ sở sản xuất bánh pía của ông Tuấn là nơi đột phá đầu tiên ở Sóc Trăng khi chuyển từ mô hình sản xuất bánh pía, bánh trung thu theo mùa (tháng 8 âm lịch) sang sản xuất liên tục trong năm.
Làm bánh ban ngày, ban đêm ông Tuấn lại thức đến gần sáng để mày mò, đục đẽo những khuôn bánh in, bánh trung thu sao cho thật đẹp và chế tạo ra dây chuyền nướng bánh chất lượng cao với thời gian nhanh nhất.
Đến năm 1996, ông Tuấn thấy mình không thể một mình vừa là chủ lò, vừa là thợ chính kiêm luôn vai trò của một nhân viên tiếp thị nên ông bắt đầu nhận vào 20 công nhân.
4 năm sau, lượng công nhân của cơ sở sản xuất bánh pía Tân Huê Viên tăng lên 60 người với mức lương bình quân lúc ấy khoảng 600.000 đồng/người/tháng. Hiện nay, công nhân ông Tuấn lên đến gần 700 người với thu nhập ổn định 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Thue dat khu cong nghiep de xay tuong dat 88 luong vang kinh doanh tam linh?-Hinh-10
 Đoạn hàng rào vào trụ sở làm việc cũng có hình dáng Vạn Lý Trường Thành.
Từ quy mô nhà xưởng ban đầu trên diện tích 1 ha ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), ông Tuấn mở rộng cơ ngơi của công ty lên 8 ha.
Mỗi năm Tân Huê Viên xuất xưởng khoảng 1.000 tấn bánh pía, lạp xưởng, bán sang thị trường gần 10 quốc gia, trong đó có Mỹ, Australia, Canada, Singapore, Trung Quốc...
Điều đáng quan tâm khi mọi người đến tham quan điểm du lịch của ông Tuấn là ngắm nhìn hàng rào có hình dáng Vạn Lý Trường Thành. Theo ông Tuấn, vì ông thích kỳ quan này nên đã xây hàng rào có hình dáng Vạn Lý Trường Thành chứ không có ý gì khác.
Gia Hân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN

Thạch Nót
Vài hôm nữa anh ta xây tượng Quan Công vì anh ta thích.