Siết tín dụng và trái phiếu, nhiều dự án bất động sản tại TP HCM dừng xây dựng

Việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu thời gian gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào khó khăn.

UBND TP HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn trong quý III/2022.

Trong quý vừa qua, Sở Xây dựng TP đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai cho chủ đầu tư của 4 dự án, với tổng số 2.144 căn nhà. Cấp phép 2 dự án nhà ở chung cư với tổng số 2.057 căn.

Thị trường nhà ở TP HCM tiếp tục vắng bóng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân khi không có dự án nào trong phân khúc này được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép, đủ điều kiện bán hoặc hoàn thành xây dựng.

Về lượng giao dịch, trong quý III, TP HCM có 1.229 giao dịch căn hộ chung cư, 915 nhà ở riêng lẻ và không có giao dịch đất nền.

Theo UBND TP HCM, tình hình thị trường bất động sản TP HCM quý III/2022 vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, quá trình phát triển đặc biệt là nhà ở vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chỉ trả của người dân; chưa đa dạng về sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho thuê.

Phát triển nhà ở chưa đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung; công tác quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở sau đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập; nhiều khu vực nhà ở do người dân tự xây chưa có hạ tầng được nâng cấp, đảm bảo phù hợp.

Siet tin dung va trai phieu, nhieu du an bat dong san tai TP HCM dung xay dung
Nhiều dự án bất động sản tại TP HCM gặp khó khăn.

Nguồn cung bất động sản trong những năm qua đã giảm rõ rệt do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.

Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... dẫn đến tình trạng chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ.

Thị trường bất động sản thứ cấp cũng giảm vì giá bán ở thị trường sơ cấp quá cao, lại chịu ảnh hưởng của việc siết tín dụng khiến cho nguồn vốn đầu tư bị nghẽn và không còn hấp dẫn như trước. Thị trường bộc lộ nhiều điểm yếu như thanh khoản chậm, đang xảy ra tình huống một số nhà đầu tư giảm giá để xả hàng thời gian gần đây.

Mặt khác, do tình hình đại dịch COVID-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến thị trường cho thuê căn hộ đối với người nước ngoài, cùng với việc Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung trong đó có nội dung “quy định về thời hạn sở hữu nhà chưng cư” điều này đã làm ảnh hưởng tâm lý người mua nhà chung cư e ngại khi đưa ra quyết định.

UBND TP HCM cho rằng thị trường bất động sản TP HCM phát triển nhưng chưa ổn định, cần có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung - cầu. Tình hình thị trường bất động sản không có biến động trên diện rộng, tình hình kinh tế có nhiều diễn biến khó lường, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào khó khăn, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN