Người dân căng băng rôn tố Công ty Phi Long lừa đảo

Ngày 25/5, nhiều khách hàng đã tới trụ sở của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long (Công ty Phi Long, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) căng băng rôn tố cáo công ty này lừa đảo.

Hầu hết các băng rôn có nội dung tố cáo Công ty Phi Long đã cấu kết với Công ty An Đại Việt lừa đảo bán đất trái pháp luật, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Người dân còn yêu cầu Công ty Phi Long giao đất hợp pháp cho khách hàng để xây nhà ở. Người dân mong muốn chính quyền vào cuộc để xử lý đối với công ty này.

Trước đó, ngày 30/6/2004, UBND TP HCM đã thu hồi hơn 20ha đất của dân tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để giao cho Công ty Phi Long triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện xong.

Dù chưa xong khâu bồi thường, giải tỏa nhưng Công ty Phi Long vẫn phân lô bán đất khiến khách hàng mòn mỏi chờ suốt 14 vẫn không thể xây nhà ở.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, thay vì tập trung thực hiện dự án, chủ đầu tư lại liên tục thay đổi người đại diện pháp luật. Ước tính, từ khi dự án được giao đến nay, doanh nghiệp này đã thay đổi người đại diện pháp luật khoảng trên 20 lần. Chủ đầu tư cũng liên tục đổi tên doanh nghiệp, sáp nhập, chuyển trụ sở và có hàng loạt vi phạm.

Nguoi dan cang bang ron to Cong ty Phi Long lua daoUBND huyện Bình Chánh yêu cầu Công ty Phi Long phải tháo dỡ các công trình không phép.

Dù đã có một vài hạng mục san lấp và đầu tư hạ tầng, nhưng thực tế, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ đầu tư còn có dấu hiệu san lấp rạch trái phép, vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng. Ngôi biệt thự hoành tráng trong dự án -  trụ sở của Công ty Phi Long thực tế là công trình xây dựng trái phép.

Mới đây, ngày 20-12-2019, ông Trần Phú Lữ - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ký quyết định yêu cầu Công ty Phi Long phải tháo dỡ 6 công trình xây dựng trái phép tại dự án Nam - Nam Sài Gòn.

Cụ thể, công trình 1 (trụ sở văn phòng): diện tích xây dựng 290m2; tổng diện tích sàn xây dựng: 993,6m2, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch, sàn bê tông cốt thép, mái ngói.

Công trình 2 (hàng rào): dài 163,5m, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch + song sắt; Công trình 3 (mái che): diện tích 163m2, kết cấu cột sắt, mái tôn; Công trình 4 (nhà ở): diện tích 163m2, tổng diện tích sàn xây dựng 604,7m2; kết cấu: cột bê tông cốt thép, vách gạch, sàn bê tông cốt thép, mái ngói; Công trình 5 (mái che): diện tích 107,9m2, kết cấu cột sắt, mái tôn; Công trình 6 (hàng rào): chiều dài 83,8m, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch + song sắt.

Theo quyết định, UBND huyện Bình Chánh yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ các công trình vi phạm trên trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này. Nếu quá thời hạn mà công ty này không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay một số công trình vẫn chưa được cưỡng chế khiến dư luận rất bức xúc.

Công an TPHCM đang thụ lý điều tra tin báo về tội phạm do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an chuyển giao vào tháng 7/2019.

Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Phi Long (gọi tắt là Công ty Phi Long) bị Bộ Công an đề nghị Công an TPHCM điều tra dấu hiệu chiếm đoạt tài sản xảy ra tại 4 dự án mà đơn vị này đang thực hiện trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, ông Phạm Xuân Long (SN 1959, ngụ phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM , là chủ Công ty Phi Long) bị 3 Công ty gồm: Cổ phần An Đại Việt, I.N.D.E., I.N.G.E và Đặng Tất Thịnh (có địa chỉ ở TPHCM) tố cáo có hành vi ký hợp đồng hợp tác đầu tư, bán đất nền tại những dự án Khu dân cư như: Phi Long 5, Hải Yến (cùng ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), Huy Hoàng, Nam Sài Gòn (cùng ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Năm 2002, Công ty Phi Long đầu tư dự án Khu dân cư Huy Hoàng được các cơ quan chức năng chấp thuận địa điểm, hướng dẫn thủ tục đầu tư. Thế nhưng sau đó, Công ty Phi Long không đủ khả năng tài chính, không triển khai dự án, chưa đền bù, giải phóng mặt bằng,…

Năm 2007, UBND huyện Bình Chánh ra thông báo thu hồi các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây và chấm dứt việc đồng ý chủ trương, chấp thuận địa điểm đối với Công ty Phi Long.

Dù vậy, từ năm 2004-2005, bà Nguyễn Thị Kim Liên (Tổng giám đốc Công ty Phi Long) vẫn ký 12 hợp đồng bán đất dưới dạng hợp tác đầu tư thu hơn 2,9 tỷ đồng. Những người mua đất tại dự án này đã nhiều lần liên hệ gửi đơn đến chủ đầu tư, yêu cầu giao đất, đòi quyền lợi nhưng không nhận được sự phản hồi từ chủ đầu tư và không được trả lại tiền.

Tại dự án Khu dân cư Phi Long 5 do Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam làm chủ đầu tư có phần diện tích đất công cộng để làm cây xăng, trạm xăng…chưa hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng, Thế nhưng năm 2003, ông Nguyễn Trọng Hiệp (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam) vẫn ký hợp đồng bán 1.100m2 đất làm trạm xăng với giá hơn 3,5 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Thuỷ Ngần.

Bà Ngần sau đó chuyển nhượng lại khu đất cho Công ty I.N.D.E.. Tính đến nay, dự án đã điều chỉnh quy hoạch, không cho làm trạm xăng, khu đất này chuyển thành đất công cộng dự trữ. Công ty I.N.D.E. khiếu nại nhưng không nhận hồi âm.

Công an xác định, cả 4 dự án trên đều do ông Phạm Xuân Long làm chủ sở hữu. Hiện ông Long không có mặt tại nơi đăng ký thường trú. Để phục vụ điều tra, Công an TPHCM thông báo truy tìm ông Phạm Xuân Long có lý lịch nói trên.

PV

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN