'Cởi trói' phân lô tách thửa, cú huých cho thị trường đất nền

Theo Nghị định số 35, UBND các tỉnh có thể tự quyết khu vực phân lô bán nền. Điều này góp phần "cởi trói" cho thị trường bất động sản vốn đang bế tắc.
Tỉnh tự quyết khu vực phân lô bán nền
Ngày 20/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với hàng loạt điểm mới. Theo đó, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị như sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, đáp ứng các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định sau:
a) Dự án phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị; đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng của toàn bộ dự án hoặc theo phân kỳ đầu tư được duyệt; việc xây dựng nhà ở phải bảo đảm tuân thủ nội dung và tiến độ dự án được duyệt;
b) Không thuộc khu vực có yêu cầu cao quản lý về kiến trúc cảnh quan, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị từng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị để quy định cụ thể khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân được tự xây dựng nhà ở.”.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đạt - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP đã phần nào “nới lỏng” phạm vi, cho phép UBND các tỉnh “thoải mái hơn” khi quy định khu vực được phân lô bán nền mà không phải xin ý kiến.
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức đã ký văn bản, thông báo ý kiến của UBND tỉnh Hà Nam đối với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cho phép tiếp tục thực hiện chia tách thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý tiếp tục thực hiện chia tách thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh từ ngày 3/7.
“Coi troi” phan lo tach thua, cu huych cho thi truong dat nen
UBND các tỉnh đã có thể quy định các vị trí được phân lô, tách thửa (Ảnh minh họa)
Nhà đầu tư phấn khởi
Trước đó, sau gần 20 tháng dừng tách thửa, ngày 23/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định chấm dứt hiệu lực toàn bộ các văn bản về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố. Việc chấm dứt hiệu lực các văn bản này đồng nghĩa với việc tỉnh Lâm Đồng không còn cấm tách thửa.
Cuối tháng 4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội ban hành văn bản số 2869 về việc bãi bỏ văn bản 1685. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.
Thông tin cho phép phân lô, tách thửa trở lại ở một số địa phương và việc Chính phủ cho phép địa phương tự quyết phân lô bán nền phần nào đã tạo tâm lý tích cực hơn đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ đất nền.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) đánh giá, thông tin Hà Nội cho phép phân lô, tách thửa trở lại sẽ có tác động tích cực cho thị trường. Dù chưa mạnh mẽ nhưng sẽ là “cú huých” cho thị trường tốt hơn, nhất là phân khúc đất nền.
“Bất động sản đang “ốm yếu” không nên tạo rào cản cho thị trường thêm khó khăn. Khi được phân lô tách thửa với diện tích nhỏ sẽ phù hợp với nhu cầu số đông những người có nhu cầu ở thực.
Từ đó, việc kinh doanh bất động sản cũng có tác động tích cực hơn. Nhất là khi được tách thửa, thị trường sẽ có giao dịch, Nhà nước cũng thu được tiền thuế chuyển nhượng”, ông Toản cho hay.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa chia sẻ, năm 2023, thị trường có cơ hội nhưng khá mờ, thời cơ có thể chỉ thực sự chín muồi trong năm 2024. Đất nền vẫn sẽ là phân khúc có khả năng sinh lời cao nhưng hiện không dành cho số đông và cần chọn lọc kỹ.
Theo ông Quang, với nhà đầu tư chờ rót tiền, đất nền sẽ là cơ hội cho người có sẵn tiền mặt. Các nhà đầu tư "tay ngang" không nên nhảy vào hoặc nếu muốn thì cần dòng tiền dài hạn, tầm nhìn 3-5 năm.
“Dựa trên tình hình thực tế, nhà đầu tư có thể đề nghị giảm giá 30%, sau đó 25% và hạ xuống 20%. Bên mua nên mạnh dạn ngã giá, có thể chốt đơn giảm 15-20% là mức giảm khả thi. Các tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 có thể là thời điểm xuống tiền thích hợp nhất”, chuyên gia này chia sẻ.
Minh Châu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN