Loạt ngân hàng báo tín dụng tăng trưởng âm và nợ xấu cao có đáng lo ngại?

Báo cáo tài chính quý 1/2023 của các ngân hàng có nhiều nhà băng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm hay nợ xấu vọt lên trên mức 3%.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng đạt 2,57% so với đầu năm, ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2020. Đáng lưu ý, tổng nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn hiện ước tính khoảng 5% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Những điều đáng ngại này thể hiện rõ qua báo cáo tài chính quý 1/2023 của các ngân hàng khi xuất hiện nhiều nhà băng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm hay nợ xấu vọt lên trên mức 3%.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB), tại thời điểm cuối quý 1/2023 tín dụng tăng trưởng âm tới 3,3%, về mức 61.516 tỷ đồng. Tổng nợ xấu cũng đáng ngại khi tăng 14% lên 2.653 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,6% của đầu kỳ lên mức 4,3%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất tới 67% khi chiếm 304 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 13% lên 369 tỷ và nợ có khả năng mất vốn tăng 9% với gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tiền gửi khách hàng tại VietBank cũng giảm 3% về mức 74.006 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ giảm mạnh dự phòng tới 72% nên lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của VietBank vẫn tăng trưởng mạnh 75% lên 158 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) cũng ghi nhận quý đầu năm không mấy khả quan khi cho vay khách hàng tăng trưởng âm 3,1% về còn 79.453 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2023. Thậm chí tiền gửi khách hàng còn tăng trưởng âm mạnh hơn tới 10,3% về mức 75.429 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của ABBank tăng mạnh 35% so đầu kỳ, lên mức 3.198 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt gấp 2 lần khi chiếm 1.129 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ về 1.384 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 2,88% của đầu kỳ lên tới 4,02%.
Kỳ này, ABBank ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở các nguồn thu ngoài lãi nên dù dự phòng rủi ro tín dụng gấp 2,6 lần khi chiếm 117 tỷ đồng thì nhà băng này vẫn lãi ròng 489 tỷ, tăng nhẹ 6% so cùng kỳ.
Với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB), tại thời điểm cuối quý 1/2023, cho vay khách hàng chiếm 229.177 tỷ đồng, tăng trưởng âm 1,2% so đầu kỳ; tiền gửi của khách hàng cũng giảm 0,4% về mức 199.267 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của VIB tăng vọt 47% so đầu kỳ, lên tới 8.342 tỷ đồng. Trong đó đáng ngại nhất là sự dịch chuyển của nợ dưới tiêu chuẩn gấp 2,4 lần khi chiếm 3.731 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 42% lên 2.435 tỷ đồng, trong khi nợ có khả năng mất vốn lại giảm gần 11% về còn 2.175 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng từ 2,45% của đầu kỳ lên tới 3,6%.
Kỳ này nhờ nguồn thu chính tăng 22% nên dù dự phòng gấp 1,7 lần với 668 tỷ đồng thì VIB vẫn đạt 2,155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% so cùng kỳ 2022.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) là một trong những nhà băng hiếm hoi ghi nhận thu nhập lãi thuần suy giảm trong quý 1/2023 nhưng dự phòng rủi ro cũng giảm theo 42% nên lãi ròng vẫn tăng 8% với 696 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2023, cho vay khách hàng của Eximbank tăng trưởng âm 0,3% về mức 130.074 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng thì đi ngang với 148.712 tỷ đồng. Tổng nợ xấu lại tăng 30% lên con số 3.047 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn gấp 2,5 lần. Kết quả tỷ lệ nợ xấu của Eximbank cũng tăng nhưng chưa quá mức nguy hiểm như các nhà băng khác, từ 1,8% lên 2,34%.
Loat ngan hang bao tin dung tang truong am va no xau cao co dang lo ngai?
 
Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) kỳ này cũng cho thấy sự bi quan khi cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,6% còn 411.288 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 2% lên 422.755 tỷ đồng tại thời điểm cuối kỳ.
ACB ghi nhận 4.003 tỷ đồng nợ xấu, tăng 31% so đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất gấp 2,5 lần, nhưng tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vẫn được kiểm soát ở mức khá tốt khi chỉ 0,98%.
Mặc dù tình hình quý 1/2023 có phần đáng ngại, song nhìn vào kế hoạch cả năm của các ngân hàng lại thấy dấu hiệu khả quan. Trong đó, ba “ông lớn” quốc doanh là BIDV, VietinBank, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 10-13% cho năm 2023, phù hợp với mục tiêu 14% của NHNN. Trong khi ACB cẩn trọng với mục tiêu 10% tăng trưởng tín dụng thì VPBank, VIB và HDBank đưa ra mức tăng mạnh mẽ 33%, 25% và 24%.
Quý đầu năm 2023, tín dụng yếu và nợ xấu cao của các ngân hàng cho thấy bức tranh kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn. Song hiện tại các điều kiện tài chính trong nước đang được nới lỏng, đa số các ngân hàng đã lạc quan hơn về tăng trưởng tín dụng vào cuối năm khi đặt kế hoạch vượt hạn mức được cấp.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN