Chứng khoán ngày 11/5: PVS, POW và HDG có gì đặc biệt?

Chứng khoán VietCap (VCSC) đưa ra khuyến nghị cho một số mã cổ phiếu như PVS, POW, HDG.
PVS: Khuyến nghị Mua, Ban lãnh đạo nhận thấy tiềm năng lớn cho điện gió ngoài khơi
Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị Mua.
PVS công bố LNST sau lợi ích CĐTS cốt lõi quý 1/2023 tăng 27% YoY đạt 214 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp của mảng cơ khí & xây dựng (M&C) cải thiện đạt 3,3% và lợi nhuận ổn định từ các liên doanh kho nổi (liên doanh FSO/FPSO). Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo quý 1/2023 lần lượt đạt 17% và 26% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
Chúng tôi lưu ý rằng 157 tỷ đồng lợi nhuận từ các liên doanh FSO/FPSO trong quý 1/2023 đã hoàn thành 45% dự báo cả năm của chúng tôi. Vì quá trình đàm phán hợp đồng cho FPSO Ruby II đang diễn ra, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh hồi tố nếu giá thuê ngày ký kết thấp hơn giá thuê ngày hiện tại là 92.500 USD. Chúng tôi thận trọng dự báo giá thuê ngày của FPSO Ruby II ở mức 40.000 USD vào năm 2023.
Chúng tôi duy trì dự phóng LNST trong suốt giai đoạn dự báo. Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS cốt lõi sẽ tương đối ổn định vào năm 2023 do chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận gộp từ mảng M&C sẽ tăng gấp đôi và bù đắp cho lợi nhuận giảm ~50% YoY từ các liên doanh FSO/FPSO.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS cốt lõi đạt 19% trong giai đoạn 2022- 2025, được hỗ trợ bởi dự báo backlog M&C giai đoạn 2023-2030 đạt ~5,5 tỷ USD và lợi nhuận ổn định từ các liên doanh FSO/FPSO.
Định giá của PVS có vẻ hấp dẫn với P/E năm 2023 là 16,8 lần và PEG 3 năm là 0,8.
Yếu tố hỗ trợ: Hoàn tất hợp đồng FPSO Ruby II; tiến độ của dự án Lô B nhanh hơn dự kiến; hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi khác ngoài Đài Loan và Việt Nam; đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi của PVS.
Rủi ro: Tiến độ/công bố dự án M&C chậm hơn dự kiến.
Ban lãnh đạo nhận thấy tiềm năng lớn về cơ hội việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Theo Tập đoàn Năng lượng Toàn cầu Westwood, có 179 GW công suất của các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được phê duyệt đầu tư trên toàn cầu trong giai đoạn 2022-2026. Tổng vốn đầu tư ước tính là 420 tỷ USD, chủ yếu ở Trung Quốc (28%), Châu Âu (không bao gồm Vương quốc Anh) (24%) và Châu Á (không bao gồm Trung Quốc) (15%). Dựa trên dữ liệu này, chúng tôi ước tính các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi tại Châu Á (không bao gồm Trung Quốc) trị giá khoảng 25 tỷ USD, trong đó Đài Loan và Việt Nam chiếm 11 tỷ USD.
PVS có tiềm năng giành được hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi trị giá khoảng 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030 — chúng tôi đưa khoảng 60% giá trị của hợp đồng tiềm năng này vào trong dự báo. Chúng tôi dự báo quy mô thị trường của các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và Việt Nam là 11 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng PVS có tiềm năng giành được khoảng 30%/50% thị phần lần lượt tại Đài Loan và Việt Nam. Điều này tương ứng tổng giá trị hợp đồng là 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030. Chúng tôi thận trọng đưa khoảng 60% giá trị của hợp đồng tiềm năng này vào dự báo, bao gồm 1,7 tỷ USD cho giai đoạn 2023-2027 và 1,0 tỷ USD cho giai đoạn 2028-2030.
Chung khoan ngay 11/5: PVS, POW va HDG co gi dac biet?
 
POW: Khả quan, tổ máy số 1 nhà máy Vũng Áng sẽ trở lại hoạt động vào tháng 8/2023
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu cho Tổng CT Nhiệt điện Dầu khí (POW) là 14.800 đồng/cổ phiếu nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ MUA thành KHẢ QUAN do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 9% trong 2 tháng qua. Chúng tôi đánh giá POW là cổ phiếu hấp dẫn khi Việt Nam có lượng tiêu thụ điện khá ổn định và POW đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sang LNG với các nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3 & 4 trong tương lai.
Giá mục tiêu của chúng tôi được giữ nguyên do giảm 6% dự phóng tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027, được bù đắp bởi tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2024.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 6% dự báo tổng LNST giai đoạn 2023-2027 do 1) điều chỉnh giảm 38% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo cho nhà máy Vũng Áng, 2) điều chỉnh chi phí lãi vay năm 2023 tăng thêm 33% và 3) trì hoãn việc đưa nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 vào hoạt động lần lượt sang giữa năm 2025 và giữa năm 2026 (chậm hơn 6 đến 12 tháng so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi và các mốc thời gian kế hoạch hiện tại của POW).
POW hiện có định giá hấp dẫn với EV/EBITDA dự báo năm 2023 là 6,8 lần - thấp hơn 31% so với các công ty cùng ngành.
Yếu tố hỗ trợ: Tiếp tục được hưởng khoản bồi thường lỗ tỷ giá từ EVN; bồi thường bảo hiểm cao hơn dự kiến (chúng tôi ước tính 300 tỷ đồng) cho sự cố kỹ thuật của nhà máy Vũng Áng.
Rủi ro: Giá than/khí tăng cao; nguy cơ thiếu than; chi phí đầu tư cao hơn/sự trì hoãn của dự án Nhơn Trạch 3 & 4.
Nhà máy Vũng Áng sẽ hoạt động trở lại vào quý 3/2023. Tại ĐHCĐ vào tháng 4/2023, POW cho biết công ty phát hiện sự cố ở tua bin cao và trung áp của tổ máy phát điện số 1 thuộc nhà máy Vũng Áng và cần được bảo trì thêm. Do đó, POW dự kiến tổ máy phát điện sẽ hoạt động trở lại trong tháng 8/2023, muộn hơn so với kỳ vọng trước đó của chúng tôi là vào tháng 4/2023, nên chúng tôi giảm 10% dự báo sản lượng năm 2023 cho nhà máy Vũng Áng. Ngoài ra, chi phí than cho nhà máy tăng cao hơn dự kiến. Tương ứng, chúng tôi điều chỉnh giảm 38% dự báo LNST từ nhà máy Vũng Áng trong 2023.
Tiến độ xây dựng đường dây tải điện cho nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 chậm hơn dự kiến ảnh hưởng tiến độ đưa nhà máy vào vận hành. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hiện đang phụ trách xây dựng 2 đường dây tải điện (220 kV và 500 kV) cho hai nhà máy điện LNG này. Do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, EVNNPT đã đề xuất lên Bộ Công Thương thay thế đường dây 220 kV Nhơn Trạch 3 – Thủ Đức ban đầu bằng đường dây Nhơn Trạch 3 – Mỹ Xuân – Cát Lái.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương trả lời rằng đề xuất này phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vì đường dây truyền tải ban đầu đã được đưa vào dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực (PDP) VIII. Chúng tôi cho rằng vấn đề này sẽ cần thời gian để giải quyết. Do đó, chúng tôi dự báo dự án này sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2025 (Nhơn Trạch 3) và giữa năm 2026 (Nhơn Trạch 4) — chậm hơn 6 đến 12 tháng so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi và các mốc thời gian kế hoạch hiện tại của POW. Do đó, chúng tôi trì hoãn dự báo LNST cho dự án này.
HDG: Khuyến nghị Mua, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS
Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) thêm 5% lên 40.800 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do tác động tích cực của việc cập nhật thời gian định giá mục tiêu đến giữa năm 2024, bù đắp cho mức giảm 1% trong dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi do chúng tôi trì hoãn 1 năm việc vận hành thương mại dự kiến của 4 dự án điện gió (tổng công suất 140 MW) từ 2025 và 2026.
Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 sẽ giảm 19% YoY với đóng góp thấp hơn từ mảng năng lượng và bất động sản (lần lượt là -35% YoY và -8% YoY), sẽ ảnh hưởng đến hiệu ứng tích cực từ lợi nhuận cao hơn của mảng khách sạn & văn phòng cho thuê.
Chúng tôi nhận thấy mức định giá của HDG là hấp dẫn với P/E trượt 7,0 lần - thấp hơn 35% so với P/E trượt trung bình trung bình của các công ty cùng ngành BĐS và điện được lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi dự báo ROE trung bình là 21% và CAGR EPS là 26% trong giai đoạn 2022- 2025. HDG có kế hoạch mở rộng điện gió cụ thể nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi với tổng công suất 540 MW, với tên/địa điểm dự án cụ thể ở miền Trung và trong đó 140 MW đã được đưa vào Quy hoạch Điện (QHĐ) VII điều chỉnh.
Rủi ro: Các dự án BĐS hình thành trong tương lai chậm tiến độ so với dự kiến; tiếp tục chậm tiến độ đưa 4 dự án điện gió vào vận hành thương mại.
• Yếu tố hỗ trợ: Động thổ dự án điện gió lớn An Phong (300 MW) để tạo điều kiện cho Hado Energy thực hiện IPO.
HDG sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS và đặt mục tiêu phát triển ít nhất 2 dự án trong năm 2023. Ban lãnh đạo tin rằng Nghị định 10/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/05/2023 sẽ giúp tháo gỡ nút thắt pháp lý cho các doanh nghiệp phát triển BĐS, trong đó có HDG. Nghị định này quy định các tiêu chí rõ ràng hơn cũng như thời hạn 90 ngày để cơ quan chức năng cấp tỉnh xác định giá đất được sử dụng để tính tiền sử dụng đất (xem thêm Cập nhật Quy định Ngành Bất động sản, ngày 04/07/2023). Do đó, HDG dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý cho Hado Minh Long tại Thủ Đức, TP. HCM và Hado Greenlane tại Quận 8, TP. HCM. HDG cũng kỳ vọng nguồn cung BĐS sẽ cải thiện trong quý 4/2023 – quý 1/2024. Ngoài ra, HDG dự kiến sẽ mở bán dự án Charm Villas Giai đoạn 3 vào quý 3/2023; tuy nhiên, giá bán cho giai đoạn này vẫn chưa được chốt (chúng tôi dự báo giá bán là 90 triệu đồng/m2, tương đương với giá bán trong Giai đoạn 2).
Chúng tôi lùi dự báo thời gian vận hành thương mại dự kiến của bốn trang trại điện gió (tổng công suất 140 MW) thêm một năm. Theo ban lãnh đạo, HDG sẽ đánh giá quá trình phát triển các dự án điện gió Ea H'leo (20 MW) và Phước Hữu (50 MW) khi QHĐ VIII được phê duyệt, mà chúng tôi kỳ vọng QHĐ VIII sẽ được phê duyệt vào nửa cuối năm 2023. Do đó, chúng tôi giả định 2 dự án điện gió này sẽ đi vào vận hành từ đầu năm 2025 so với năm 2024 như trong dự báo trước đây. Chúng tôi cũng lùi dự báo thời gian vận hành thương mại dự kiến của các dự án điện gió Hướng Phùng (30 MW) và Sóc Trăng (40 MW) từ năm 2025 sang năm 2026.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN