Một quỹ ngoại bán hàng nghìn cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn tại MWG

Ước tính theo thị giá MWG đóng cửa ngày diễn ra giao dịch, quỹ ngoại này có thể thu về khoảng 5 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu.
 
Trong thông báo mới nhất, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý, vừa thông báo đã bán ra 114.000 cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động vào ngày 14/11.
Sau giao dịch, Arisaig Asian Fund Limited đã giảm sở hữu tại MWG từ 50,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,458%) xuống còn 50,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,45%). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại liên quan cũng theo đó giảm từ 5,005% xuống còn 4,997% tương ứng 73 triệu cổ phiếu MWG, chính thức không còn là cổ đông lớn tại MWG.
Ước tính theo thị giá MWG đóng cửa ngày diễn ra giao dịch, quỹ ngoại này có thể thu về khoảng 5 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu.
Quỹ thành viên Arisaig Asian Fund Limited bắt đầu ghi nhận bán ra cổ phiếu MWG kể từ giữa tháng 4/2023. Chỉ sau 7 tháng, quỹ đã bán ròng tổng cộng hơn 52 triệu cổ phiếu MWG.
Mot quy ngoai ban hang nghin co phieu, khong con la co dong lon tai MWG
 MWG liên tục bị cổ đông ngoại thoái vốn.
Cũng trong khoảng vài tháng trở lại đây, cổ phiếu MWG liên tục ghi nhận tình trạng hở “room” ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% đã giảm về dưới sát ngưỡng 45%, tương ứng hở gần 4%, điều rất hiếm thấy tại doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này.
Xét về câu chuyện kinh doanh, MWG đã liên tục báo lãi quý kể từ khi lên sàn. Tuy nhiên, việc làm ăn của ông lớn ngành bán lẻ bắt đầu kém sắc kể từ cuối năm 2022 khi nền kinh tế giảm tốc và thu nhập của người dân sa sút đáng kể. Điều này khiến mảng điện thoại điện máy, vốn được xem là hàng không thiết yếu giảm mạnh, trong khi chuỗi bách hóa dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa đóng góp về lợi nhuận.
Quý 3/2023, MWG lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 39 tỷ đồng, giảm tới 96% và ở vùng đáy lịch sử. Đáng chú ý, nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính tăng 77% đạt 619 tỷ đồng thì phần lợi nhuận còn kém khả quan hơn. Doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi khi công ty gia tăng lượng tiền gửi lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, công ty đem về gần 87.000 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng vỏn vẹn 77 tỷ, lần lượt giảm 15,5% và 97,8% - cách rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ đã đề ra.
Dù đang sở hữu 3 chuỗi cửa hàng mang lại doanh thu chủ lực là Bách Hóa Xanh (BHX), Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX), tuy nhiên lợi nhuận của MWG chủ yếu đến từ chuỗi TGDĐ và ĐMX trong khi BHX vẫn đang chịu lỗ.
Hà Thảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN