Cổ phiếu MBG tăng phi mã 400%: Chuyên gia nói gì về giả thiết làm giá?

Theo ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Vĩ mô Thị trường của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI), Tập đoàn MBG đang có nhiều đặc điểm tương đồng với hiện tượng bị thao túng giá.

Sau bài viết “MBG có thổi giá cổ phiếu tăng 400% để 14 nhà đầu tư lời 600 tỷ đồng?”, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với những chuyên gia trong ngành về vấn đề làm giá cổ phiếu.

Có khả năng cổ phiếu MBG bị làm giá?

Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Vĩ mô Thị trường của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) cho biết: “Tôi không có thông tin liên quan và cũng không thể khẳng định được doanh nghiệp làm giá hay không. Nhưng với hiện tượng tăng giá và đọc qua hoạt động của doanh nghiệp thì khả năng này là có”.

Ông Khoa cho biết, một số đặc điểm của doanh nghiệp có hiện tượng thao túng giá như: doanh nghiệp hoạt động trong nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng, xây dựng, bất động sản hay có hiện tượng thao túng. Doanh nghiệp tăng vốn nhanh, luôn chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng.

Số lượng cổ phiếu tập trung vào một nhóm nhà đầu tư chủ chốt. Diễn biến tăng giá cổ phiếu nhanh bất ngờ, kéo dài liên tục mà không đi cùng với kết quả kinh doanh cải thiện hoặc một hướng kinh doanh mới hoặc đang được chào mua công khai hoặc thâu tóm bởi công ty khác.

Cuối cùng là, doanh thu tăng trưởng kém, trong khi các khoản phải thu luôn giữ ở mức cao (một trong dấu hiệu về nghi ngờ tính thực chất doanh thu và lợi nhuận). 

Nhìn vào đây thì Tập đoàn MBG đang có nhiều đặc điểm tương đồng với hiện tượng bị thao túng giá.

Ông Khoa chia sẻ thêm: “Mọi sự thao túng giá dễ dàng đều diễn ra khi có sự kiểm soát tốt về cung và điều phối thông tin. Khi lượng cung bị kiểm soát thì chỉ cần một lượng tiền không lớn cũng có thể đẩy cố phiếu tăng nhiều lần”.

Về mục tiêu của những hành vi thao túng giá là để có lợi nhuận sau khi lôi kéo nhà đầu tư và phân phối số lượng lớn ở vùng giá cao và thực hiện thâu tóm.

Co phieu MBG tang phi ma 400%: Chuyen gia noi gi ve gia thiet lam gia?
 Tập đoàn MBG có làm giá cổ phiếu hay không?

Có thể chỉ là chiêu trò “cho thuê tiền”

Chia sẻ với PV, một chuyên gia trên thị trường tài chính tên P. (yêu cầu được giấu tên) cho rằng những hiện tượng và diễn biến tăng sốc của cổ phiếu MBG (tính từ mức thấp nhất đã tăng hơn 2.000%) không khỏi làm cho nhà đầu tư đặt nghi ngờ có làm giá cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện giờ chưa thể khẳng định được.

Có thể diễn biến của cổ phiếu MBG là chiêu trò hợp tác của Tập đoàn MBG và 14 nhà đầu tư. Vì không có ai “điên” mà bỏ ra số tiền gấp 2,5 lần để gom cổ phiếu MBG lúc bấy giờ. Hình thức này có thể tạm gọi là “cho thuê tiền” trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, những nhà đầu tư chỉ cho doanh nghiệp mượn tiền chứ thực chất là không mua cổ phiếu như đã công bố. Đến hạn trả nợ, những nhà đầu tư này sẽ nhận được số tiền ban đầu để mua cổ phiếu cộng với phần lãi suất trên phần tăng thị giá cổ phiếu theo thoả thuận của hai bên. Nếu cổ phiếu bị mất giá thì nhà đầu tư vẫn có quyền nhận đủ số tiền đã bỏ ra. Thực chất đó là điều khoản của hai bên.

Mục đích trước nhất để doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh chóng, sau đó để làm tăng giá cổ phiếu và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Chuyên gia P. cho rằng chiêu trò này cũng đã diễn ra khá nhiều và khá lâu trên thị trường chứng khoán, nó chỉ ẩn danh với những hình thức khác nhau.

Ví như tâm điểm trên thị trường chứng khoán gần đây là cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC dự tính phát hành gần 300 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với thị giá.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC sẽ tăng từ khoảng 7.100 tỷ đồng hiện nay lên thành 10.100 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Chốt danh sách vào 20/8, sau đó gần 1 tháng FLC bất ngờ xin gia hạn tiếp tục phát hành số cổ phiếu này để phù hợp với tình hình thực tế.

Điều bất ngờ hơn nữa, sáng 31/10, Tập đoàn FLC công bố hủy đợt phát hành này do ngày 29/10 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn yêu cầu không thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của FLC.

Tập đoàn FLC cũng cho rằng thị trường chứng khoán gần đây diễn biến không thuận lợi, có khả năng ảnh hưởng tới thành công của đợt chào bán và do vậy đã hủy danh sách cổ đông lập tại ngày đăng kí cuối cùng 24/10 để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 42,2%.

Chuyên gia P. cho rằng có lẽ những thoả thuận chưa phù hợp hay gặp vấn đề vướng mắc gì nên Tập đoàn FLC không thực hiện “game” như dự tính ban đầu.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN