'Nếu giải ngân các chương trình mục tiêu chậm, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu'

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cần đẩy nhanh giải ngân trong đầu năm 2024
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 triển khai còn chậm.
'Neu giai ngan cac chuong trinh muc tieu cham, can xem xet trach nhiem nguoi dung dau'
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Mai Loan.
Theo ông Hòa, nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia là do ách tắc từ cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện còn vướng mắc nên cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Tôi kỳ vọng, Quốc hội sẽ họp tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia được đến tận người dân. Đây cũng là trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước đối với người dân ở các chương trình nhằm góp phần tăng trưởng GDP và tháo gỡ khó khăn cho người dân ở các vùng miền được thụ hưởng chính sách”, ông Hòa nói.
Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ông Hòa đặc biệt quan tâm đến tiến độ giải ngân cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cần phải xem nguyên nhân từ đâu, lý do nào dẫn đến như vậy. Về mặt chủ quan phải xử lý người đứng đầu, còn về mặt khách quan phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
“Để xảy ra chậm trễ, những người điều hành đã có lỗi với người dân nơi đó, phải chịu trách nhiệm. Bởi chúng ta đang có tiền trong kho mà lại không được đến được tay người dân. Chậm giải ngân cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, phải xem xét lại để đẩy nhanh ngay trong đầu năm nay. Chứ không khéo sẽ bị ùn tắc của các năm nữa”, ông Hòa nói.
'Neu giai ngan cac chuong trinh muc tieu cham, can xem xet trach nhiem nguoi dung dau'-Hinh-2
 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Mai Loan.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế cho hay, Nghị quyết cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến được thông qua lần này. 
Bà tán thành và chia sẻ những khó khăn khi xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội, trong đó có những nội dung chuyên ngành, cũng như những nội dung chưa có tiền lệ.
"Việc ban hành Nghị quyết cần thiết, giúp các địa phương có chương trình mục tiêu quốc gia. Quan trọng là khẳng định chất lượng mục tiêu Quốc gia, phần lớn người được hưởng lợi là dân tộc miền núi, vùng biên giới hải đảo... Như thế sẽ tạo được niềm tin cho người dân", đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.
Kịp thời ban hành nghị định nếu thông qua Luật đất đai
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, ông kỳ vọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là hai luật có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.
Nếu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì Chính phủ cần kịp thời ban hành Nghị định để hướng dẫn chi tiết. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần ban hành hướng dẫn cụ thể từng lĩnh vực để khi Luật đã có hiệu lực thi hành thì các văn bản dưới luật cần được kèm theo để tổ chức thực hiện. Chứ không thể để một số dự án Luật được Quốc hội thông qua, nhưng văn bản hướng dẫn chi tiết thì lại chưa rõ ràng.
Khi các Luật đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ đã có Nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết rồi thì các địa phương, cơ sở, Bộ, ban ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để tổ chức tuyên truyền vận động để triển khai các luật một cách hiệu quả tới người dân. Còn các chương trình mục tiêu quốc gia đã có Nghị quyết thông qua thì cũng phải có sự tuyên truyền để các địa phương, cơ sở phối hợp, triển khai theo đúng thẩm quyền, chức năng.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này, ông Hòa cũng quan tâm đến việc tăng nguồn vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để phát triển ngành Điện, hòa mạng được lưới điện quốc gia từ miền Trung kéo ra miền Bắc, cũng như thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không được để xảy ra thiếu điện cục bộ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng cần xem xét trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN có thuận lợi, khó khăn như thế nào, để khi quyết định tăng vốn thì hoạt động của EVN phải hiệu quả hơn.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói về 3 chương trình mục tiêu quốc gia:
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN