Bất động sản công nghiệp vẫn sống khỏe giữa dịch COVID-19

Theo Savills Việt Nam, bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam có nguồn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung, do đó cần tăng số lượng cung tại các khu trọng điểm.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ trong tháng 6, nguồn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung.

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết có thể thấy rõ sự cần thiết của việc tăng số lượng nguồn cung tại các khu vực công nghiệp trọng điểm. Công suất thuê các vùng trọng điểm tại phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng đã gia tăng đáng kể từ năm 2018.

Theo John Campbell, hầu hết giao dịch cho thuê trong nửa đầu năm bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo đã diễn ra từ năm ngoái. Trong khi đó, nhiều hợp đồng thuê được thực hiện bởi các công ty đã có mặt tại Việt Nam và đang tìm cách mở rộng sản xuất.

Các chính sách hạn chế đi lại giữa các nước đã ảnh hưởng đến nhu cầu gia nhập thị trường, làm hoãn lại các đợt khảo sát mặt bằng của các nhà đầu tư quốc tế lớn, khiến số lượng hợp đồng thuê được ký kết với các nhà phát triển trong nước giảm mạnh.

Từ đó, đại diện Savills Việt Nam cho rằng không gì có thể đảm bảo cho sự thuận lợi của năm tới nhưng có thể chắc chắn rằng ngành công nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc vào sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều chủ thuê đang chuẩn bị nguồn lực để nắm bắt và đáp ứng những cơ hội sắp tới ngay khi các rào cản được dỡ bỏ.

Bat dong san cong nghiep van song khoe giua dich COVID-19
 

Theo số liệu của Focus Economics cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam chứng kiến sản lượng trong tháng 6 tăng 7% cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi trong sản xuất hàng hóa và sản xuất điện. Sản lượng sản xuất và công nghiệp ước tính tăng 2,7% trong năm 2020 (và dự kiến sẽ tăng 9,2% vào năm 2021) cho thấy sự tăng trưởng khiêm tốn nhưng đầy hứa hẹn của lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, chỉ số quản lý sức mua (PMI) cũng tăng vọt lên 51,1 điểm vào tháng 6, với 42,7 điểm vào tháng 5, đánh dấu mức tăng trưởng đầu tiên trên ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 1 sau thành công của Chính phủ trong việc kiềm tỏa và ngăn chặn đại dịch. Sự phục hồi này được cho là nhờ có sự gia tăng mạnh mẽ của các đơn đặt hàng mới, cùng với hoạt động mua hàng tích cực và số lượng các mặt hàng tồn kho tiền sản xuất tăng cao nhất kể từ tháng 11/2018.

Tính đến tháng 6, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và bắt đầu xây dựng. Công suất thuê đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.

Trước đó, báo cáo thị trường của Jones Lang LaSalle Việt Nam cho thấy, giá thuê đất khu công nghiệp tại TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đều trên đà tăng cao, bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19..

Tính trung bình giá thuê đất công nghiệp các KCN phía Nam trong quý II vào khoảng 106 USD/m2 trên chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn ổn định hơn đất, duy trì ở mức 3,5-5 USD/m2/tháng do hợp đồng chỉ ngắn hạn 3-5 năm và khách thuê cũng dễ bị tác động bởi đại dịch.

Theo đánh giá của JLL Việt Nam, khi đại dịch vẫn còn là mối đe dọa, việc đàm phán cho thuê và các yêu cầu mới sẽ tiếp tục đình trệ cho đến hết năm 2020. Tuy nhiên, thị trường dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục ngay sau khi tình hình được kiểm soát.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN