Vị vua nào có nhiều “thứ nhất” trong sử Việt?

Lê Thần Tông được biết tới là một vị vua có nhiều điều “nhất” trong lịch sử phong kiến Việt Nam với số lần lên ngôi vua nhiều nhất, có nhiều con làm vua nhất, có nhiều vợ là người ngoại quốc nhất.
Lên ngôi nhiều lần nhất
Lê Thần Tông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, cháu nội của Lê Thế Tông và là cháu ngoại của Thành Tổ Triết Vương (Trịnh Tùng). Ông được nhận xét là người có khuôn mặt rồng với sống mũi cao. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Vua thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi, tính trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của bậc đế vương”.
Lê Thần Tông sinh ra và lớn lên trong thời đại mà đất nước bị chia cắt Đàng Trong Đàng Ngoài, triều đình nhà Lê chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, thực quyền thuộc về dòng họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Năm 1619, vua Lê Kính Tông bị Trịnh Tùng ép thắt cổ chết. Con trưởng Kính Tông là Lê Duy Kỳ được đưa lên ngai vàng khi mới 12 tuổi, lấy hiệu là Lê Thần Tông.
Vi vua nao co nhieu “thu nhat” trong su Viet?
Tượng vua Lê Thần Tông tại chùa Mật Sơn (Thanh Hóa). 
Sau khi giữ ngôi vua gần 25 năm, năm Quý Mùi (1643), Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trai trưởng là Lê Duy Hựu (tức Lê Chân Tông). Thần Tông lên làm Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, năm 1649, Duy Hựu mất sớm, Thần Tông được Trịnh Tráng đưa trở lại ngôi vua. Lần thứ hai làm vua, ông tại vị trong suốt 13 năm cho tới khi qua đời vào mùa thu năm 1662.
Có nhiều con làm vua nhất
Theo lịch sử ghi chép, Lê Thần Tông là người có nhiều con làm vua nhất lịch sử Việt Nam. Trong tổng số 10 người con, cả nam lẫn nữ (chưa kể con nuôi), ông có tất thảy bốn người con thay nhau làm vua. Cụ thể:
Thứ nhất, Lê Chân Tông, trị vì từ năm 1643 đến năm 1649, niên hiệu Phúc Thái. Ông là con trai trưởng của vua Lê Thần Tông và Quý phi Nguyễn Thị Ngọc Bạch. Giống như ông cha mình, Chân Tông tuy làm vua nhưng thực quyền trị quốc lại thuộc về Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Năm 1649, vua băng hà khi chưa có con nối dõi, thọ 20 tuổi.
Thứ hai, Lê Huyền Tông, tại vị từ năm 1662 đến năm 1671. Sinh mẫu của ông là cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu. Năm ông lên 9 tuổi, vua cha mất, ông ở ngôi được 8 năm rồi cũng băng hà. Vua thọ 17 tuổi, không có con nối dõi.
Thứ ba, Lê Gia Tông, tại vị từ năm 1671 tới năm 1675. Ông là con của Chiêu nghi Lê Thị Ngọc Hoàn. Theo sử sách ghi chép lại, ngay từ thuở nhỏ, vua đã được nuôi dạy trong phủ của chúa Trịnh Tạc. Năm 1671, anh của Lê Gia Tông là Lê Huyền Tông mất, ông kế vị khi mới 11 tuổi. Tuy nhiên, tương tự như các anh mình, ông cũng chỉ trị vì vọn vẹn có 4 năm rồi mất vì bạo bệnh.
Thứ tư, Lê Hy Tông, tại vị từ năm 1675 tới năm 1705. Vua là con của cung nhân Nguyễn Thị Ngọc Trúc (một số sách ghi là Nguyễn Thị Ngọc Tấn). Ông được người đời ca ngợi là một trong những vị vua anh minh đức độ bậc nhất thời Lê Trung hưng. Sau 30 năm làm vua, năm 1705, Lê Hy Tông nhường ngôi cho Thái tử Lê Duy Đường (tức Lê Dụ Tông), rồi lên làm Thái thượng hoàng cho tới khi mất vào năm 1718. Vua thọ 55 tuổi. Trong suốt thời kỳ trị vì của mình, vua sử dụng hai niên hiệu là Vĩnh Trị và Chính Hòa.
Có nhiều phi tần người nước ngoài nhất
Chuyện vua có tam cung lục viện với hàng chục, hàng trăm phi tần không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, trong hậu cung của Lê Thần Tông, ngoài số phi tần người Việt còn một số phụ nữ nước ngoài. Theo nhiều nguồn tài liệu những người này có vị thế cao hơn nhiều so với các phi tần người Việt, địa vị của chỉ xếp sau hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
Vua có bốn phi tần người ngoại quốc gồm phi tần người Xiêm (Thái Lan ngày nay), người Ai Lao (Lào ngày nay), người Hán (Trung Quốc ngày nay) và người Hà Lan. Bên cạnh đó, Thần Tông còn có một bà phi tần người Mường. Trong số những người này, bà phi tần Hà Lan được ghi chép nhiều hơn. 
Theo đó, bà là người Hà Lan lai Triều Tiên, tên Onrona, một số sách lại chép tên bà là Ourou San. Bà là con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Trong chuyến cùng thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long.
Khi đó, nghe theo lời của cha mình, bà ở lại Việt Nam làm vương phi của vua Thần Tông. Bà được ân sủng bậc nhất trong chốn hậu cung của Lê Thần Tông. Tuy vậy, giống như nhiều phi tần ngoại quốc khác, bà cũng không có con.
Vi vua nao co nhieu “thu nhat” trong su Viet?-Hinh-2
Tượng bà Onrona tại chùa Mật Sơn (Thanh Hóa).
Theo các sử liệu, từ trước khi Lê Thần Tông lên ngôi, quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Đại Việt và các quốc gia lân bang cũng như những nước đến từ châu Âu xa xôi đã được hình thành, xác lập ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, dưới thời kỳ trị vì của ông, quan hệ đó đã phát triển rất mạnh mẽ. Có thể nói, những cuộc hôn nhân của Thần Tông với các phi tần ngoại quốc được vun đắp từ các mối quan hệ đó.
Đan Linh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN