Những hiện tượng thiên nhiên bí ẩn ở danh thắng tâm linh Việt

Ngoài hình ảnh mây lạ như “đĩa bay” xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) và núi Chứa Chan (Đồng Nai), không ít hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, gây xôn xao dư luận từng xuất hiện tại các danh thắng của Việt Nam.

Từ mây vẩy rồng tới mây “đĩa bay” bất ngờ xuất hiện

Ngày 24/11/2022, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trên đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) thu hút sự chú ý của nhiều người. Trong ảnh, những đám mây trắng lớn tạo thành vầng, bao quanh đỉnh núi như một chiếc đĩa bay đã tạo nên một cảnh tượng lạ, đẹp mắt.

Anh Đỗ Vinh Quan, chủ nhân của bức ảnh đó chia sẻ, đang trên đường đi làm, anh bất ngờ khi nhìn thầy hình ảnh độc đáo đó trên núi Bà Đen. Bức ảnh được anh chụp vào khoảng 6h sáng. Cũng theo anh Quan, đám mây này đã xuất hiện từ khoảng 17h hôm trước, nhưng không rõ nét và có hình thù đặc biệt như khi xuất hiện vào sáng hôm sau.

Nhung hien tuong thien nhien bi an o danh thang tam linh Viet
Hình ảnh đám mây giống chiếc đĩa bay khổng lồ trên núi Bà Đen thu hút sự chú ý của dư luận.
Sự việc vẫn còn gây xôn xao thì sáng 25/11, nhiều người dân ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai lại phát hiện đám mây lớn bao phủ đỉnh núi Chứa Chan, có hình dạng như đĩa bay. Những hình ảnh được chụp lại và chia sẻ trên mạng tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Nhung hien tuong thien nhien bi an o danh thang tam linh Viet-Hinh-2
 Đám mây lạ xuất hiện trên đỉnh núi Chứa Chan được người dân chụp lại.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú gây chú ý này. Trước đó, vào các ngày 15,18/9/2008 và ngày 18/4/2010, tại khu vực tượng Phật Quan Thế Âm, chùa Linh Ứng, Đà Nẵng đã xuất hiện tượng mặt trời tỏa ánh hào quang lạ, tạo thành quầng sáng bao quanh.
Hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Vũng Tàu vào ngày 7/10/2009, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân.
Chiều 20/8/2009, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện tầng tầng lớp lớp mây hình vảy rồng kéo dài khoảng 40 phút sau mưa.

Mỗi khi một hiện tượng lạ xuất hiện đều kéo theo rất nhiều đồn đoán. Trong đó, nhiều người giải thích dưới góc nhìn tâm linh, thần bí. Chẳng hạn, với hiện tượng “mây vảy rồng”, không ít người liên tưởng tới sự kiện dời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010. Theo câu chuyện này, đức vua đã nhìn thấy rồng bay trên thành Đại La nên đổi tên thành thành Thăng Long, kinh đô mới của Đại Việt.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã bác bỏ những “thuyết tâm linh” trên.

Ít gặp nhưng không hiếm 
Giải thích về hiện tượng mây “lạ” trên đỉnh núi Bà Đen, TS Phan Thanh Hiền, giảng viên, nghiên cứu viên Khoa Vũ trụ và ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết, đó là hiện tượng mây thấu kính. Hiện tượng này xuất hiện khi hơi ẩm di chuyển bởi gió, gặp núi bị cản lại sẽ tràn lên cao, gặp không khí lạnh sẽ ngưng tụ lại. Hình ảnh các gợn sóng xếp chồng lên nhau của mây là do luồng gió đẩy lên liên tục, đều đặn.
Theo TS Hiền, hiện tượng mây thấu kính này không hiếm, nhưng ít gặp. Nó sẽ xuất hiện khi nhiệt độ đủ thấp và hơi ẩm đủ lớn.
Còn theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mây dạng thấu kính (Lenticular clouds) cũng gặp ở một số nơi trên thế giới, trong đó, xuất hiện nhiều ở núi Phú Sĩ (Nhật Bản) hay một số nơi ở Mỹ, thường là vùng núi cao. Tại Việt Nam, việc mây thấu kính ở núi Bà Đen (vốn được mệnh danh là nóc nhà Đông Nam Bộ với độ cao 996 m) cũng được coi là một hiện tượng thú vị.
Tương tự, đối với hiện tượng mây ở núi Chứa Chan, theo các chuyên gia, cũng là hiện tượng mây thấu kính. Hiện tượng này không liên quan gì tới những giải thích “tâm linh”, “huyền bí” như đồn thổi.
Về hiện tượng mặt trời toả ánh hào quang tại chùa Linh Ứng, ông Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý địa cầu cho biết, hiện tượng này thường được gọi là “quầng”.
Nhung hien tuong thien nhien bi an o danh thang tam linh Viet-Hinh-3
"Quầng" mặt trời xuất hiện ở Vũng Tàu. Ảnh: Li Wen Sheng. 
“Quầng” được tạo ra khi ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng khi đi qua các tinh thể băng bị khúc xạ hay phản xạ sinh ra những vòng tròn. Thông thường quầng mặt trời có 7 màu rực rỡ do ánh sáng bị tán sắc, còn quầng mặt trăng chỉ có màu trắng do ánh sáng yếu.
Theo kinh nghiệm dân gian, quầng xuất hiện là dấu hiệu báo trước một thời kỳ không mưa kéo dài sẽ diễn ra, có thể gây thiếu nước, hạn hán ở địa phương.
Nhung hien tuong thien nhien bi an o danh thang tam linh Viet-Hinh-4
 Mây vẩy rồng ở Hà Nội. Ảnh: Đức Long.
Đối với hiện tượng “mây vảy rồng” xuất hiện tại Hà Nội, theo ông Trần Văn Sáp, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Quốc gia, đó là mây mammatus, gọi nôm na là "mây vú". Tại Việt Nam, dân gian gọi là "mây vảy rồng".
Những đám mây này xuất hiện khi có một cơn giông đi kèm với mưa lớn và sấm sét, hoặc là khi giai đoạn tồi tệ nhất của các cơn giông đi qua.
Mời quý độc giả xem video Kỳ lạ mây thấu kính vây quanh đỉnh núi Bà Đen.

Mai Nguyễn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN