Đi đá bóng về, cậu bé 15 tuổi đột quỵ sau cơn đau đầu dữ dội

Ra sân đá bóng nhưng chưa kịp đá, cậu bé 15 tuổi phải trở về nhà vì lên cơn đau đầu đột ngột, nôn, cạo gió không đỡ, gia đình đưa lên viện thì biết con bị đột quỵ.
Chiều tối 18/7, cậu bé Lương Q.H (15 tuổi ở Thanh Sơn, Phú Thọ) đột ngột trở về nhà sau khi xin mẹ đi đá bóng cùng bạn, dù hôm qua, em chưa chạm chân vào bóng.
"Trước giờ cháu chưa từng kêu đau đầu, chóng mặt. Nhưng hôm qua lúc trở về từ sân bóng, cháu ôm đầu, lên giường nằm nghỉ rồi nôn liên tục" - người thân của bệnh nhi H cho biết.
Thấy con mệt, tưởng bị trúng gió, mẹ của H cạo gió mãi nhưng em không đỡ nên đưa lên bệnh viện huyện.
Di da bong ve, cau be 15 tuoi dot quy sau con dau dau du doi
 Bé H đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: VNE
"Bác sĩ nói cháu có vấn đề ở não nên chuyển thẳng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ ngay trong tối 18/7" - bác ruột của H nói thêm.
Sáng 19/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Hoàng Quốc Việt, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho thấy bệnh nhi bị đột quỵ, vỡ dị dạng mạch máu não, chảy máu nhu mô não, trần máu hệ thống não thất. Khi vào viện, cậu bé 15 tuổi này đã suy giảm ý thức, đau đầu buồn nôn nhiều.
"Bệnh nhi hiện được điều trị chảy máu, sau đó các bác sĩ sẽ hội chẩn, tính phương pháp can thiệp" - BS Việt nói. Sau 18 tiếng vào viện, bệnh nhi tỉnh táo, có ăn được cháo, sữa, uống thuốc nhưng rất mệt mỏi.
Hiện trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đang điều trị cho gần 100 bệnh nhân đột quỵ. Chỉ trong 1 buổi sáng, Trung tâm tiếp nhận 4 bệnh nhân mới nhập viện.
Theo BS Việt, đột quỵ đang trẻ hoá, với số lượng người dưới 30 tuổi bị bệnh vào viện tăng lên. Bé Huy không phải là trường hợp nhỏ tuổi nhất bị đột quỵ được Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận. Trước đó, đã có bệnh nhân chỉ mới 8 tuổi đã đột quỵ.
Dị dạng mạch máu não là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não. Các dị dạng này nối thông động mạch và tĩnh mạch não mà không đi qua các mao mạch, không cung cấp máu cho nhu mô não. Các dị dạng mạch máu này khi vỡ gây chảy máu não. Đây là một căn bệnh bẩm sinh và hết sức nguy hiểm.
Dị dạng mạch máu não là những bất thường bẩm sinh phát triển từ tuần thứ tư đến tuần thứ tám của thai kỳ khiến động mạch thông nối trực tiếp với tĩnh mạch không qua mạng lưới mao mạch trung gian vì vậy, đa phần dị dạng mạch máu não có thể tồn tại lâu trong não mà không có bất kỳ triệu chứng gì.
Dị dạng mạch máu não gồm 2 biến chứng, đó là:
Khi chưa vỡ: Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh. Những trường hợp kích thước tổn thương dị dạng lớn có thể gây chèn ép não và thiếu máu não gây bại liệt tay chân...
Tuy nhiên bệnh có thể không có triệu chứng gì, chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch não.
Khi bị vỡ: Ðây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh, nó sẽ gây đột quỵ não chảy máu não, thường chảy máu trong nhu mô não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp, rất hiếm khi chảy máu dưới nhện.
Triệu chứng đột ngột, cấp tính với mức độ nặng nhẹ khác nhau với các biểu hiện như đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được...
Khoảng 2/3 số trường hợp mắc bệnh này sẽ bị đột quỵ trước tuổi 40. Mỗi năm, khoảng 4 trong số 100 người có dị dạng mạch máu não sẽ bị xuất huyết. Khi bị xuất huyết có nguy cơ 15-20% nguy cơ tử vong hay đột quỵ, 30% mắc bệnh thần kinh, 10% tử vong. 
Theo Võ Thu/ Giadinh.net

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN