Vụ nổ tại nhà máy 3 người thương vong: Trách nhiệm Công ty Formosa Hà Tĩnh như thế nào?

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố danh tính 3 nạn nhân thương vong sau vụ nổ tại Nhà máy nhiệt điện thuộc bộ phận Năng lượng thuộc Công ty Formosa Hà Tĩnh. 
Nạn nhân tử vong là anh Nguyễn Đình Tân (40 tuổi, ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và 2 công nhân bị thương gồm anh Võ Tá Hiếu (29 tuổi, ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và anh Lê Văn Dương (52 tuổi, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Trước đó, lúc 13h18 ngày 1/10, tại nhà Xưởng đốt khí số 1 - Nhà máy nhiệt điện thuộc bộ phận Năng lượng, Công ty Formosa Hà Tĩnh, trong quá trình nhà thầu là Công ty Hữu Sinh tiến hành bảo dưỡng đường ống, đã xảy ra vụ nổ khiến một công nhân tử vong, hai người bị thương. Qua sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của Công ty Formosa Hà Tĩnh ra sao?
Vu no tai nha may 3 nguoi thuong vong: Trach nhiem Cong ty Formosa Ha Tinh nhu the nao?
Công an tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công ty Formosa.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ nổ xảy ra tại Công ty Formosa Hà tĩnh khiến một người chết, hai người bị thương là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ nổ, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Vu no tai nha may 3 nguoi thuong vong: Trach nhiem Cong ty Formosa Ha Tinh nhu the nao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)  
Luật sư Cường cho hay, trước tiên doanh nghiệp này cần phải hỗ trợ gia đình nạn nhân thiệt mạng và hỗ trợ chi phí cứu chữa đối với các công nhân bị thương đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân sự việc. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ nổ là do yếu tố khách quan hay do lỗi chủ quan trong quá trình quản lý, vận hành.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi không tuân thủ quy định về an toàn lao động, việc quản lý, vận hành, máy móc thiết bị không đúng quy trình, người lao động không được trang bị bảo hộ lao động, không có chuyên môn chứng chỉ phù hợp dẫn đến tai nạn xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định tại điều 295 Bộ luật Hình sự.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy việc quản lý vận hành là hoàn toàn tuân thủ đúng quy trình, quy định. Người lao động có hợp đồng lao động có chuyên môn phù hợp, được tập huấn về an toàn lao động. Vụ tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn, không có lỗi trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng thiết bị thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên kể cả trong trường hợp này thì đơn vị sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm hỗ trợ và thực hiện các thủ tục để người lao động được nhận các khoản trợ cấp về tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường chia sẻ, vụ việc sẽ là bài học rút kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn lao động. Doanh nghiệp này cần phải kiểm tra rà soát quy trình hoạt động của mình, đặc biệt là các điều kiện để đảm bảo an toàn lao động để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
>>> Xem thêm video: Cháy kèm nhiều tiếng nổ lớn ở kho Công ty sơn tại Bình Dương

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN