Vụ chiếm đoạt 433 tỷ: Tranh luận về 122 tỷ đồng của đại gia

Ngày 18/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi, ở Hà Nội) và 25 bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân tiếp tục phần tranh luận.

Vu chiem doat 433 ty: Tranh luan ve 122 ty dong cua dai gia

Đại gia Đặng Nghĩa Toàn tại phiên toà chiều 18.3. Ảnh: Việt Dũng

 

Trong ngày làm việc thứ 10 hôm nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành thời gian để luật sư cùng đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank) và những người liên quan trình bày quan điểm.

Trong vụ án, ông Đặng Nghĩa Toàn (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án, sở hữu tổng số tiền 122 tỉ đồng trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng nêu trên.

Khi luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Hà Nội đề nghị bị cáo Thành bồi thường cho VietABank 249 tỉ đồng, bồi thường cho NCB 47,5 tỉ đồng và cho PVcomBank 49,4 tỉ đồng. Đối với số tiền 122 tỉ đồng mà ông Toàn có trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng, Viện Kiểm sát đề nghị giữ lại để giải quyết việc vay mượn.

Trình bày tại tòa ngày 18.3, luật sư của các ngân hàng nêu trên đều chung quan điểm khi cho rằng quá trình tố tụng, Hà Thành thừa nhận quan hệ với ông Toàn là quan hệ vay tiền. Bị cáo này nhiều lần hứa hẹn sẽ có nghĩa vụ trả nợ cho các đồng sở hữu tại 3 ngân hàng.

Luật sư của PVcomBank đánh giá đây là quan hệ dân sự được xác lập bằng lời nói. Các ngân hàng là công cụ đảm bảo cho quan hệ dân sự này.

Căn cứ các quy định hiện hành, luật sư đánh giá hợp đồng vay tiền trả lãi cao giữa bị cáo Thành và vợ chồng ông Toàn được phát sinh từ thỏa thuận giữa 2 bên.

"Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng các ngân hàng để làm công cụ tài chính rút tiền vay từ vợ chồng ông Toàn và những người đồng sở hữu khác", luật sư nêu quan điểm và cho rằng người phải trả tiền cho ông Toàn phải là Hà Thành.

Luật sư của NCB trình bày: "Hà Thành thừa nhận vay tiền của ông Toàn qua việc gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu, ngân hàng là công cụ, phương tiện để Thành vay. Ông Toàn đã để mặc cho Thành muốn làm gì thì làm".

Trong khi đó, luật sư của VietABank cho rằng đây là mối quan hệ cho vay trả lãi cao giữa Hà Thành và các đồng sở hữu sổ tiết kiệm tại 3 ngân hàng.

Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, xác định đúng tư cách tố tụng của ngân hàng này và xác định các đồng sở hữu là bị hại.

Trước ý kiến trên, ông Đặng Nghĩa Toàn phản bác những quan điểm của các ngân hàng. Ông này lập luận không có chứng cứ nào thể hiện có việc vay tiền giữa mình và Hà Thành.

Ông Toàn nói: "Tôi đưa sổ cho Thành là vì Thành dùng thủ đoạn gian dối nói sẽ trả tôi tiền thưởng" và bổ sung rằng tại tòa, Hà Thành đều thừa nhận tất cả lời khai của bị cáo là tự nguyện, không bị ai ép buộc. Ông Toàn cũng cho rằng bản thân không nhận một khoản tiền lãi nào từ bị cáo Thành.

Ông đề nghị toà buộc 3 ngân hàng giải toả, trả tiền tiết kiệm theo quy định pháp luật.

Trong phiên toà trước đó, Hà Thành khi trình bày sau luận tội của Viện Kiểm sát cho rằng, trong các quan hệ vay mượn tiền với những người đồng sở hữu, cô ta chỉ chậm trả nợ, không có ý định trốn nợ hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư bào chữa cho Hà Thành lập luận trách nhiệm để xảy ra thiệt hại của vụ án chủ yếu thuộc về nhóm bị cáo là 17 cựu cán bộ ngân hàng. Họ đã không thẩm tra hồ sơ, vẫn ký duyệt các khoản vay cho bị cáo.

Việt Dũng/LĐ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN