Vì sao các nước thận trọng khi áp lệnh phong tỏa dài ngày?

Dù phải đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh hồi tháng 4 và tháng 5, Ấn Độ vẫn không lựa chọn phong tỏa toàn quốc mà chỉ áp dụng ở một số bang nhất định.
Ấn Độ hồi tháng 4 và đầu tháng 5 hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ hai với số ca nhiễm mới hàng ngày thường xuyên vượt 400.000. Tuy nhiên, nước này không phong tỏa toàn quốc, chỉ áp dụng biện pháp trên với từng địa phương.
Đà phục hồi kinh tế của Ấn Độ vẫn “còn nông” và một tháng phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19 lây lan có thể khiến GDP giảm tới 2%, giới phân tích tại Bank of America cảnh báo hồi tháng 4.
“Chúng tôi ngày càng lo ngại rằng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tạo ra nguy cơ đến đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh… Chúng tôi ước tính một tháng phong tỏa toàn quốc sẽ khiến GDP giảm 100 – 200 điểm cơ bản. Không cần phải bàn, điều này còn làm gia tăng rủi ro tài chính”.
“Từ kinh nghiệm năm ngoái, việc phong tỏa toàn quốc tại Ấn Độ là một thách thức”, theo Itika Sharma Punit, biên tập tại Quartz India. Ấn Độ phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3/2020 và kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể, với GDP giảm 7,3% trong năm tài chính 2020 – 2021 (tính đến hết tháng 3/2021), và đó là lý do New Delhi không muốn lặp lại biện pháp này. 
Vi sao cac nuoc than trong khi ap lenh phong toa dai ngay?
 Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại khu cấp cứu bệnh viện Holy Family, New Delhi, Ấn Độ, ngày 29/4. Ảnh: Reuters.
Đợt phong tỏa toàn quốc năm 2020 được mô tả là “nghiêm ngặt nhất so với những biện pháp tương tự được các quốc gia khác trên thế giới triển khai”, Punit bổ sung. “Mọi thứ đều đóng cửa, sản xuất ngừng hoạt động, kinh doanh cũng vậy. Kinh tế Ấn Độ rơi vào suy thoái kỹ thuật”.
Người lao động nhập cư tại nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ cũng hứng chịu áp lực từ đợt phong tỏa toàn quốc.
“Các nhà máy, công trường đều đóng cửa. Nhiều người bất ngờ không còn thu nhập để chăm lo cho con cái” và đây cũng là yếu tố khiến Ấn Độ không phong tỏa toàn quốc trong làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chọn không phong tỏa toàn quốc bất chấp hàng loạt lời khuyến nghị, kêu gọi từ tòa án tối cao, phe đối lập. Ông kêu gọi các bang cân nhắc phong tỏa là “lựa chọn cuối cùng” trong bài phát biểu trên truyền hình tháng 4. Kết quả, chỉ một số bang ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh áp phong tỏa, một số bang chỉ phong tỏa một phần.
Chủ tịch Quỹ Sức khỏe Công cộng Ấn Độ (PHFI) Srinath Reddy nói việc ông Modi quyết định có chính xác không vẫn gây tranh cãi.
“Một số bang cảm thấy họ có thể kiểm soát tình hình mà không cần phong tỏa hoàn toàn. Tình trạng ở các bang là khác nhau bởi họ bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai theo các cách khác nhau”. Tuy nhiên, giáo sư Reddy nói chính phủ Ấn Độ đã thất bại trong việc cung cấp cho hệ thống y tế công cộng nước này sự ưu tiên cần thiết, chủ yếu vì “niềm tin sai lầm” rằng làn sóng thứ hai sẽ không nghiêm trọng như vậy. 
Vi sao cac nuoc than trong khi ap lenh phong toa dai ngay?-Hinh-2
 Các bang ở Ấn Độ phong tỏa hoàn toàn (màu đỏ) hoặc một phần (màu vàng) tính đến ngày 8/5.
Đầu tháng 6, các bang ở Ấn Độ bắt đầu nới lỏng các lệnh phong tỏa khi làn sóng Covid-19 thứ hai hạ nhiệt. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nước này có nguy cơ đối mặt làn sóng Covid-19 thứ ba vào cuối tháng 8. Với số ca nhiễm sẽ tăng từ từ thay vì đột biến, làn sóng thứ ba sẽ không hỗn loạn, nếu biến chủng Delta vẫn là chủ đạo và không xuất hiện biến chủng mới.
Trẻ em sẽ “dễ bị tổn thương hơn” bởi nhóm tuổi này chưa được tiêm chủng, Randeep Guleria, giám đốc Viện Toàn Ấn Độ về Y khoa, New Delhi, cảnh báo.
Với các hạn chế dần gỡ bỏ, cuộc sống bình thường trở lại, lớp phòng thủ tốt nhất ngăn Covid-19 vẫn là ý thức cộng đồng, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa. Giới chức y tế kêu gọi người dân đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách.
Các nhà virus học và khoa học tin rằng chìa khóa để ngăn làn sóng thứ ba chính là tiêm chủng cho nhóm dễ bị tổn thương.
“Tiêm chủng chậm chính là vấn đề. Tình trạng đó sẽ thúc đẩy phát triển nhiều biến chủng hơn và làn sóng thứ ba có thể đến sớm hơn so với những quốc gia phát triển khác bởi còn nhiều người dễ tổn thương”, Vineeta Bal, nhà khoa học tại Viện Quốc gia về Miễn dịch Ấn Độ, nói với DW.
Tính đến ngày 17/8, Ấn Độ tiêm được hơn 554 triệu liều vaccine trên cả nước, theo Bộ Y tế Ấn Độ.
Hơn 121 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, chiếm hơn 8,9% dân số Ấn Độ. Hơn 422 triệu người, tương đương 30,9% dân số, được tiêm một mũi, theo số liệu từ Our World in Data. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trên 18 tuổi vào cuối năm nay. Giới chuyên gia cho rằng để đạt mục tiêu này, Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều/ngày.
Australia - thận trọng khi dùng "phong tỏa"
Australia vừa ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục với số ca nhiễm tại bang New South Wales (NSW) tăng gần 30% trong một ngày, từ 642 hôm 20/8 lên 825 ngày 21/8, và 3 trường hợp tử vong. Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian cho biết lo ngại chủ yếu là ở miền tây bang, dịch đang có xu hướng lan sang các cộng đồng bản địa dễ tổn thương.
Biến chủng Delta lây lan khiến bang láng giềng Victoria phải mở rộng phạm vi phong tỏa ra ngoài thành phố Melbourne. Victoria ghi nhận 61 ca nhiễm mới trong ngày 21/8, vùng thủ đô thêm 8 ca. Tổng ca nhiễm mới của Australia là 894, vượt đỉnh 754 thiết lập hai ngày trước đó. 
Vi sao cac nuoc than trong khi ap lenh phong toa dai ngay?-Hinh-3
Quảng trường Federation vắng người trong đợt phong tỏa 5 ngày tại bang Victoria để ứng phó đợt bùng phát dịch ở Melbourne hồi tháng 2. Ảnh: Reuters. 
Thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrews, thông báo áp dụng biện pháp phong tỏa với vùng Victoria. Riêng lệnh giới nghiêm từ 21h đến 5h không áp dụng ngoài Melbourne – đang trong thời gian phong tỏa đến ngày 2/9.
“Đây không phải quyết định chúng tôi muốn đưa ra sau khi người dân Victoria đã phải hy sinh quá nhiều. Nhưng chúng tôi không còn lựa chọn khác”, ông Andrews nói. “Số ca nhiễm cần phải giảm và tỷ lệ tiêm chủng tăng lên”.
Thành phố Sydney cũng gia hạn thời gian phong tỏa ít nhất tới cuối tháng 9.
Victoria trước đó áp các biện pháp hạn chế Giai đoạn 3, yêu cầu mọi người ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết, chăm sóc, tập thể dục, làm việc hoặc học tập (nếu không thể làm tại nhà). Kèm theo đó là quy định đeo khẩu trang và “khuyến khích” không rời khỏi nơi cư trú.
Tony Blakely, giáo sư Đại học Melbourne, trước đó cho rằng người dân sẽ không ủng hộ việc thắt chặt phong tỏa hơn nữa, lên Giai đoạn 4, “chỉ để” kiểm soát số ca nhiễm và “trấn áp virus” bởi đơn giản là dịch bệnh còn trở lại. Thay vào đó, “chúng ta cần ‘sự kiểm soát khôn ngoan hơn’ khi khó có thể loại bỏ virus”.
Lý do Blakely đưa ra là không đáng để kiềm soát virus trong một thời gian nhưng lại gây ra ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và xã hội. Virus sẽ có đợt bùng phát mới và thêm một đợt phong tỏa, thêm lần nữa và lần nữa. Đây không phải phương án ưu tiên, khi sinh kế và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.
Nếu không hướng đến loại bỏ, Victoria nên kiểm soát virus ở mức độ không vượt quá năng lực hệ thống y tế địa phương. Theo Blakely, Victoria có khoảng 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU) và nếu khoảng 2% số ca ghi nhận cần ICU trong khoảng 10 ngày, hệ thống y tế sẽ quá tải nếu số ca nhiễm mới vượt 5.000/ngày.
Quy định bắt buộc đeo khẩu trang là hoan nghênh bởi tính hiệu quả và không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tương tự, thắt chặt có chọn lọc tại một số công sở cũng phù hợp, nếu chỉ đeo khẩu trang là chưa đủ.
Vùng lãnh thổ Miền bắc (Northern Territory - NT) không còn tình trạng phong tỏa sau khi điểm cuối cùng là thị trấn Katherine nới lỏng các hạn chế từ 12h00 ngày 20/8, theo 9News. Kết quả các mẫu xét nghiệm ngày trước đó tại thị trấn đều cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên, chính quyền NT vẫn áp dụng nhiều quy định như đeo khẩu trang tại những khu vực mọi người khó giữ khoảng cách với nhau (siêu thị, cửa hàng, phương tiện công cộng), dùng ứng dụng theo dõi vị trí tại mọi địa điểm, không tụ tập quá 10 người trong nhà, sàn nhảy, phòng tập trong nhà đóng cửa….
Phong tỏa để ứng phó Covid-19
Trung Quốc tháng vừa qua ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành.
“Đà lan rộng của virus corona và các thảm họa thiên nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nhiều địa phương. Đà phục hồi của nền kinh tế vẫn tương đối bất ổn”, Fu Linghui, người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16/8 tại Bắc Kinh.
Chính quyền các địa phương đã áp dụng một loạt biện pháp phòng dịch mạnh tay nhằm chặn đứng đà tăng các ca nhiễm mới, bao gồm phong tỏa nhiều thành phố, hủy các chuyến bay và cho đóng cửa các trung tâm giải trí. Nhà chức trách Trung Quốc tuần trước còn đóng cửa một phân khu tại cảng Ninh Ba- Chu Sơn, cảng biển container lớn thứ 3 thế giới, sau khi một công nhân làm việc tại đây dương tính với Covid-19. Sự mạnh tay này phần nào gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu.
New Zealand gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm 4 ngày vì phát hiện thêm 30 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 11 ca được ghi nhận hôm 20/8. Đợt phong tỏa bắt đầu từ ngày 17/8, sau khi ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên kể từ tháng 2. Trường hợp này do biến chủng Delta gây ra.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết đợt phong tỏa giúp nhà chức trách có cơ hội để đánh giá quốc gia này bị ảnh hưởng thế nào từ đợt bùng dịch ở Auckland – thành phố lớn nhất New Zealand và là nơi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên sau 6 tháng.
Đợt phong tỏa hiện tại sẽ kéo dài ít nhất đến 23h59 ngày 24/8. Nhà chức trách đánh giá lại tình hình vào ngày 23/8. 
Vi sao cac nuoc than trong khi ap lenh phong toa dai ngay?-Hinh-4
 Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: Reuters.
Trái với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại một số quốc gia để chống dịch Covid-19, Nhật Bản chủ yếu áp dụng "phong tỏa mềm”, đòi hỏi sự tự giác của người dân. Tuy nhiên, trước tình trạng các ca nhiễm tại nhiều địa phương không ngừng tăng nhanh và lập kỷ lục, ngày 18/8, nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cảnh báo tình hình dịch Covid-19 đang tồi tệ như một thảm họa và kêu gọi người dân tăng cường biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết.
Để ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh, ngày 17/8, Thủ tướng Suga Yoshihide đã cho phép gia hạn tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và các vùng khác, đồng thời tiếp tục mở rộng biện pháp ra thêm 7 tỉnh. Ước tính, tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng với gần 60% dân số Nhật Bản.
Hầu hết nhà khoa học đều tin Covid-19 còn hiện hữu, và ngày càng có nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh à Singapore chọn chiến lược chung sống với đại dịch với kỳ vọng Covid-19 sẽ trở thành dịch bệnh ít nguy hiểm hơn, giống như cúm.
Như Tâm (Theo Business Standard, Bloomberg)/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN