Tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch COVID-19: Nghĩa cử, đạo lý dân tộc

Lúc 20h hôm nay (19/11) tại TP HCM sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Lễ tưởng niệm là sự thể hiện nghĩa cử, đạo lý của dân tộc dành cho người đã khuất.

Vợ chồng anh Trần Văn Đen và chị Vĩ Thị Kim Ngân đều mắc COVID-19. Riêng chị Kim Ngân bị nhiễm COVID-19 trong khi sinh con. Do bệnh quá nặng, chị đã qua đời khi chưa kịp nhìn đứa con mới chào đời. Trong lúc đó, anh Đen, chồng chị vẫn đang phải điều trị F0 ở một bệnh viện khác. Nhờ sự giúp đỡ của các y bác sĩ và lực lượng tình nguyện mà anh Đen đã được gặp con ở khu nhà trọ.

Tuong niem dong bao tu vong trong dai dich COVID-19: Nghia cu, dao ly dan toc

Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Phạm Nguyễn

Nhờ sự hỗ trợ của bộ đội, hài cốt vợ anh đã được đưa về quê hương Sóc Trăng trong những ngày còn giãn cách. Không chỉ thế, các nhà hảo tâm còn giúp đỡ anh Đen đường sữa, thức ăn cũng như tiền bạc để anh Đen có điều kiện chăm sóc đứa trẻ mới sinh.

Ngày 18/11, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết-Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho Tiền Phong biết, hiện tại bệnh viện có 8 bé chào đời từ những người mẹ mắc COVID-19 nhưng không có cơ hội được nhìn mặt mẹ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mất cả mẹ lẫn con trong sự bất lực của các y bác sĩ”. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp thai phụ mắc COVID-19 đã vượt qua lằn ranh sinh tử, trở về với cuộc sống bình thường.

“Những đau thương, mất mát đã xảy ra nhưng cũng có những niềm vui bất tận khi được thấy những người mẹ hồi sinh ngoạn mục, ôm con thơ vào lòng. Tôi tin tưởng các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai quyết liệt và hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19, thời gian tới, tất cả những phụ nữ mang thai và cộng đồng nói chung sẽ được bình an trước dịch bệnh” - PGS Diễm Tuyết chia sẻ.

Tuong niem dong bao tu vong trong dai dich COVID-19: Nghia cu, dao ly dan toc-Hinh-2

Thân nhân nhận lại tro cốt người mất vì COVID-19. Ảnh: Phạm Nguyễn

Hy sinh thầm lặng

Để cứu các bệnh nhân mắc COVID-19, không ít nhân viên y tế đã ngã xuống vì chính dịch bệnh này. BS Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đợt dịch vừa qua ngành y tế thành phố có 3 nhân viên y tế qua đời vì COVID-19, trong đó có 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng mất do lây nhiễm khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch, chăm sóc bệnh nhân, trường hợp còn lại mất do lây nhiễm cộng đồng.

Nữ điều dưỡng đã qua đời do lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân là chị Trần Thị Phương Hằng (42 tuổi, công tác tại khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định). Sau 18 năm luôn hết lòng vì người bệnh, khi dịch COVID-19 bùng phát chị Phương Hằng đã không ngại khó khăn, tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc F0 tại khoa Hồi sức Tích cực khi đơn vị này chuyển đổi công năng điều trị COVID-19. Quá trình chăm sóc người bệnh, chị đã mắc COVID-19.

Sau quá trình điều trị, tình trạng sức khỏe của chị đã bình phục nhưng khi xuất viện về nhà vào ngày 13/8 chị đột ngột bị suy hô hấp và trút hơi thở cuối cùng.

Trường hợp bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch không may bị nhiễm COVID-19 qua đời là BS Trịnh Hữu Nhẫn (60 tuổi, Trưởng trạm Y tế xã Phước Lộc thuộc Trung tâm y tế huyện Nhà Bè). Sau 37 năm công tác, ông luôn được người dân ở địa phương yêu mến, đến khi dịch COVID-19 bùng phát hình ảnh thân thương của ông đã trở thành cứu tinh của những người không may nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, khi đang nỗ lực bảo vệ cộng đồng thì giữa tháng 7/2021 ông đã mắc COVID-19 phải chuyển đến bệnh viện điều trị. Trong quá trình được chăm sóc tại Bệnh viện Dã chiến số 6 và Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ông vẫn đau đáu hướng về những người bệnh ở địa phương và sẵn sàng nghe điện thoại hướng dẫn tận tình những phương án phòng bệnh, hướng dẫn từng toa thuốc điều trị. Tuy nhiên, do bệnh diễn tiến nặng, ngày 4/8 ông đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức diễn ra tại Hội trường Thống Nhất và đầu cầu 22 quận huyện, thành phố Thủ Đức. Sau phần lễ là nghi thức thắp nến tưởng niệm. Cùng lúc đó, tại các quận huyện sẽ tổ chức thực hiện thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20 giờ 35 phút.

Ban tổ chức cho biết đã vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20 giờ 30 và thông tin đến các tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu tại khu vực cảng kéo còi tưởng niệm vào lúc 20 giờ 30. Ngoài ra, ban tổ chức đã vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân… để tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 vào lúc 20 giờ 30 phút cùng ngày.

Nói về tấm gương dũng cảm quên mình của BS Hữu Nhẫn, người đồng nghiệp của ông là Dược sĩ Trần Thị Kim Trang chia sẻ: “Tôi đã làm việc cùng anh Nhẫn suốt 12 năm qua. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, anh cũng luôn hết lòng vì người bệnh. Sự nỗ lực của anh trong đợt dịch vừa qua đã mang lại niềm tin cho chính nhân viên y tế và cộng đồng. Dù anh đã đi xa nhưng chúng tôi vẫn luôn noi theo gương anh và đang giữ vững những thành quả chống dịch tại địa phương, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng”.

Vượt qua đau thương

Trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, gia đình nghệ sĩ Bình Tinh có 3 người đã ra đi vì dịch COVID-19, đó là soạn giả Bạch Mai, mẹ ruột của Bình Tinh cùng cô ruột là nghệ sĩ Kim Phương và người cậu là nhạc sĩ Thanh Châu. Không chỉ mất mát với gia đình nghệ sĩ Bình Tinh mà còn là sự mất mát lớn với đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long.

Trong thời khắc tưởng như sẽ gục ngã, Bình Tinh lại được tiếp thêm sức chịu đựng bởi những đồng nghiệp và khán giả yêu nghệ thuật cải lương, từ việc động viên tinh thần đến tổ chức tang lễ cho những người thân.

Nghệ sĩ Bình Tinh chia sẻ: “Không có nỗi đau nào lớn hơn khi tôi mất mẹ và người thân chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Do dịch bệnh COVID-19 và trong giai đoạn giãn cách xã hội đang siết chặt, nghĩa cử của anh em nghệ sĩ, đồng nghiệp đã an ủi và giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Tôi biết ơn tấm lòng của tất cả khán giả, nghệ sĩ đồng nghiệp đã thương yêu gia đình tôi”.

Từ sự yêu thương, động viên của đồng nghiệp và khán giả, nghệ sĩ Bình Tinh đã vượt qua khó khăn, trở lại với công việc, hoạt động nghệ thuật, duy trì hoạt động của đoàn. Công việc của những ngày bình thường mới đã cuốn lấy Bình Tinh, giúp cô tìm lại niềm vui trong công việc cũng như làm khuây khỏa nỗi đau. Bình Tinh tự hứa sẽ đi tiếp con đường mà mẹ, dì và cậu vẫn còn ấp ủ là gây dựng lại thương hiệu Huỳnh Long một thời.

“Nhiều thế hệ của gia đình tôi cống hiến cả cuộc đời để làm nên đoàn hát Huỳnh Long này nên tôi sẽ là người tiếp bước để giữ gìn cũng như phục hồi bộ môn nghệ thuật này” - Bình Tinh chia sẻ. 

Theo Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN